Mới mua cuốn này lúc 4 giờ chiều qua, đọc liền 1 mạch qua hơn 300 trang sách, tôi đã trải qua đủ cả xúc động, ngỡ ngàng, hoài nghi, phẫn nộ lẫn hụt hẫng khi theo mạch câu chuyện kể. Nếu ai chưa đọc thì mua ngay về đọc đi, NXB Thời đại vừa ra lò, bản dịch tiếng Việt của Đặng Ly khá tốt, nếu bỏ qua một số lỗi nhỏ. Tôi sẽ ko phá hoại cảm xúc của các bạn đâu, vì thể loại này tự đọc bổ hơn nghe người khác bình luận, khen chê.
Đọc xong câu chuyện ám ảnh về giáo dục trẻ con này, tôi nhớ ngay đến 2 thằng bạn thân nhất của mình: Thành mốc và Việt bốp, 3 thằng đã chơi với nhau từ hồi lớp 1 đến bây giờ. 3 thằng là 3 tính cách khác hẳn nhau, được dạy dỗ theo 3 kiểu hoàn toàn khác nhau, và dĩ nhiên bây giờ có 3 cuộc đời – sự nghiệp chẳng giống nhau tí gì! Chắc chắn là 2 thằng kia cũng như tôi, vẫn luôn tự hỏi mình là nếu như ngày xưa được lựa chọn, không nghe theo cách giáo dục của bố mẹ, thì bây giờ có lẽ mọi thứ đã khác nhiều, nhiều lắm. Nhưng hãy để Thành mốc và Việt bốp tự kể câu chuyện của chúng nó, nếu muốn, còn ở đây sẽ chỉ có câu chuyện của tôi.
Thật ra, nói cho công bằng thì bố mẹ tôi không hà khắc kiểu như Amy Chua đâu, và thật sự tuổi thơ của tôi cũng đầy ắp những vui chơi, khám phá và tìm tòi (chứ không phải là không có tuổi thơ như Hương híp có lần từng tuyên bố). Bố mẹ tôi đều xuất thân từ nông dân, nhờ thoát ly theo cách mạng mà được học hành, nhưng cũng không hết phổ thông hệ 10 năm ngày xưa. Sau nhiều năm trong quân ngũ, hòa bình lập lại, mẹ tôi chuyển ngành về Bộ Y Tế và làm việc ở đó đến khi nghỉ hưu, trong khi bố tôi dành trọn 32 năm đi làm cho quân đội để nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá. Xét về mặt giáo dục thì hầu như họ chẳng được bố mẹ dành cho bao nhiêu, hiển nhiên chính quân đội đã dạy họ nên người, điều này ảnh hưởng rất quan trọng đến quan điểm giáo dục mà họ áp đặt lên 2 anh em tôi.
Về mặt chữ nghĩa, bố mẹ tôi chẳng được học hành nhiều nhặn gì, nên đến khi anh em tôi đi học, họ không thể kèm cặp 2 thằng con học bài được. Điều đó có nghĩa là 2 anh em tôi phải tự học từ rất sớm, bố mẹ chỉ đôn đốc về mặt thời gian biểu ở nhà mà thôi. Sau khi kèm cặp cho tôi học thuộc lòng bảng cửu chương thì bố mẹ cũng hết vốn liếng chữ nghĩa để có thể giúp tôi học hơn nữa! Họ cũng không có liên hệ gì với nhà trường và thầy cô, nên càng không thể nắm được chuyện học hành ở trường, học thêm, bồi dưỡng hay ngoại khóa gì cả. Tuy thế, bây giờ nghĩ lại tôi cũng thấy ngạc nhiên là tại sao mình chưa bao giờ bỏ học đi chơi, hay mang tiền học phí đi đàn đúm!? Cuối năm, tất cả những gì bố mẹ tôi cần là danh hiệu học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt, được ghi sạch sẽ trong cuốn sổ liên lạc và học bạ, tất nhiên phải được tô điểm bằng phần thưởng của Ban phụ huynh và của trường nữa. Thế là đủ!
Bù lại, bố mẹ tôi tìm cách kiểm soát 2 thằng con bằng kỷ luật quân đội, là thứ mà họ sùng bái. Thử tưởng tượng cảnh này: gần như không bao giờ chúng tôi được ngủ nướng buổi sáng, vì 6 giờ đã bị đánh thức dậy tập thể dục, nghĩa là mấy động tác thể dục vươn vai hít thở, rồi khởi động, và sau đó chạy vài vòng quanh mấy khu nhà cao tầng của Bộ Y Tế. Nếu gọi rồi mà không dậy thì nhẹ là giật tung chăn luôn (dù mùa đông rét cóng đến mấy), nặng thì ăn 1 cái đét đít rõ đau trong lúc đang mơ màng ngái ngủ! Tất nhiên là chả có thằng nào dễ chấp nhận ngần ấy thứ khó chịu, trẻ con có đứa nào không thích ngủ nướng, có đứa nào chăm dậy sớm tập thể dục! Anh em tôi cũng thế, nên ăn đét vào đít lúc sáng sớm không phải chuyện hiếm. Tập thể dục phải mạnh, dứt khoát, chứ quơ quào tay chân cho xong là bị mắng ngay. Tập xong thì xỏ giày và chạy, trong khi bố tôi đứng giám sát, chỉ tiêu 10 vòng chạy nghĩa là phải chạy qua mặt bố 10 lần mới đạt, nếu không chưa cho về nhà! Anh em tôi thường hay “sáng tạo” bằng nhiều cách: 1) sau khi chạy khuất tầm mắt bố thì bắt đầu đi bộ ngủ gật, hoặc chạy tuốt ra vườn hoa của Bộ Y Tế nghịch; 2) khi nào bắt đầu vào tầm mắt bố thì lại chạy hăng hái thở phì phò; 3) chạy tắt qua mấy khu nhà để rút ngắn quãng đường; 4) có khi mải chơi quá, chạy biến luôn đi đá bóng mãi lúc nắng to mới về ăn sáng!!! Về sau, khi lớn lên rồi, chúng tôi tự dậy sớm tập tành, bố mẹ ko phải thúc nữa, có lẽ đâu đó từ năm lớp 9.
Mùa hè có 3 tháng nghỉ học là sướng nhất. Có năm anh tôi được gửi lên tận nhà bác trên Vĩnh Phú, ở đó chơi thả phanh hết hè mới về. Có năm cả 2 anh em được gửi về nhà bác ở Hải Dương, chiều chiều đi tắm sông. Cũng có năm được về quê nội ở Thanh Hóa, đi bắt châu chấu tre cả ngày, con nào cũng to như ngón tay cái, xanh ngắt, nướng lên ăn ngon phải biết. Còn nếu không, ở lại Hà Nội thì chúng tôi bị nhốt trong nhà, chỉ khi nào mẹ về mới mở cửa cho chạy ra ngoài vào buổi trưa và buổi chiều! Tuy thế, bị khóa không có nghĩa là không thể ra ngoài, vì hồi đó nhà cửa ọp ẹp, cửa gỗ tự đóng bằng mấy thanh gỗ mỏng, chẳng kiên cố như cửa sắt inox bây giờ. Ở trong nhà, 1 thằng sẽ kéo banh cánh cửa để thằng kia chui ra, sau đó đến lượt thằng bên ngoài đẩy mạnh để thằng trong luồn ra theo. Thế là a lê hấp, bố mẹ vừa đi khỏi nhà 5 phút là chúng tôi đã mỗi thằng 1 nơi, hẹn nhau cùng về nhà trước giờ mẹ về, rồi cạy cửa chui vào để lúc mẹ về thấy 2 anh em đang ngoan ngoãn học bài