Lưu ý: Bản quyền sở hữu trí tuệ thuộc về nhà văn Haruki Murakami, Vintage Books nắm bản quyền xuất bản tại Hoa Kỳ.
Bản dịch Tiếng Việt tại blog blacksnow308.wordpress.com không vì mục đích thương mại và không được sử dụng vì mục đích thương mại.
…….
New York Mining Disaster – Truyện Ngắn Thứ 3 trong tuyển tập truyện ngắn Blind Willow • Sleeping Woman.
Nhà xuất bản: Vintage Books.
Tác giả: Haruki Murakami.
Dịch sang Tiếng Anh: Philip Gabriel.
…….
Thảm Họa Hầm Mỏ New YorkMột người bạn của tôi có thói quen thăm quan vườn thú mỗi khi trời nổi bão. Hắn làm thế cũng phải được 10 năm rồi. Vào cái thời điểm người ta đang đóng kín cửa nẻo, chạy đi mua tích trữ nước khoáng, hay kiểm tra xem radio và đèn pin của mình liệu còn hoạt động tốt; thì bạn tôi lại cuộn trong cái áo mưa poncho quân đội may kiểu thời chiến tranh Việt Nam, nhét vài lon bia vào túi rồi lên đường. Nơi hắn sống cách vườn thú tầm 15 phút đi bộ.
Những lần hắn không gặp may thì vườn thú đã bị đóng cửa: “vì tình trạng thời tiết nghiêm trọng”, cùng cánh cổng bị khóa chặt. Trong trường hợp đó, hắn sẽ ngồi xuống phần bệ đá của bức tượng con sóc cạnh lối ra vào, tu sạch đống bia âm ấm mình mang theo rồi quay bước trở về nhà.
Nhưng nếu đến nơi kịp thời gian, hắn cứ thế trả tiền vé vào cổng, châm một điếu thuốc lá ướt sũng nước rồi thăm thú lũ động vật, lần lượt từng loài. Đa phần chúng đều đã trốn về nơi ẩn náu. Vài con thú nhìn vô định vào màn mưa. Số còn lại thì hoạt động mạnh mẽ hơn, nhảy chồm xung quanh trong những cơn gió lốc. Chúng hoặc bị hoảng sợ trước sự thay đổi áp suất không khí, hoặc trở nên khó chịu cộc cằn.
Người bạn của tôi uống lon bia đầu tiên trước chuồng hổ Bengal. (Trước những cơn bão, hổ Bengal luôn là loài vật có cách phản ứng hung bạo nhất). Hắn ta uống lon bia thứ hai trước chuồng khỉ đột. Hầu hết thời gian thì lũ khỉ đột chẳng thèm quan tâm đến chuyện bão tố. Chúng nhìn bình thản như thể hắn đang ngồi kiểu mỹ nhân ngư trên nền xi măng, hớp từng ngụm bia; bạn còn có thể quả quyết rằng chúng cảm thấy thương hại cho người đàn ông ấy.
“Nó giống như là cậu ở trong thang máy đúng lúc nó bị hỏng và mắc kẹt với những kẻ xa lạ vậy,” bạn tôi kể lại.
Bỏ bão bùng sang một bên, hắn chẳng có gì khác so với người bình thường. Bạn tôi làm việc cho một công ty xuất khẩu, chịu trách nhiệm quản lý nguồn vốn nước ngoài. Không phải công việc buôn bán hạng nhất, nhưng cũng tạm đủ. Hắn ta sống độc thân trong căn hộ chung cư nhỏ nhắn, giản dị; và luôn tìm được một cô bạn gái mới sau mỗi 6 tháng (và luôn luôn chính xác 6 tháng), tôi không bao giờ hiểu được. Những cô nàng ấy giống hệt nhau, cứ như người này là bản sao của người khác. Tôi thì hoàn toàn bó tay chuyện phân biệt họ.
Bạn tôi đứng tên một cái xe hơi hàng dùng rồi nhưng vẫn còn rất tốt, một bộ sưu tập tác phẩm của Balzac, một bộ comple đen – cà vạt đen – giày đen, những thứ hoàn hảo để mặc đến lễ tang. Mỗi khi có ai qua đời, tôi lại gọi điện và mượn hắn các vật dụng ấy, dù rằng đôi giày đó to hơn cỡ chân tôi một size.
“Xin lỗi vì làm phiền cậu lần nữa,” tôi nói qua điện thoại trong lần hỏi mượn đồ cuối cùng, “có một đám tang khác.”
“Đừng khách sáo. Cậu chắc hẳn đang vội lắm.” Hắn đáp lời, “Sao cậu không qua đây ngay đi?”
Khi tôi đến nơi, bộ comple và cà vạt đã xếp gọn ghẽ để sẵn trên bàn, đôi giày cũng được đánh bóng và tủ lạnh thì chất đầy bia nhập ngoại. Hắn ta là cái kiểu người thế đấy.
“Bữa nọ tớ nhìn thấy một con mèo trong vườn thú.” hắn nói khi bật mở lon bia.
“Một con mèo?”
“Yeah, tầm 2 tuần trước. Tớ đang ở Hokkaido trong chuyến công tác thì tạt vào vườn thú ngay gần khách sạn. Chỗ ấy có một con mèo ngái ngủ trong chuồng với cái biển chú thích gỏn lọn ‘Mèo’.”
“Mà đó là loại mèo gì?”
“Chỉ là một con mèo rất đỗi bình thường. Sọc nâu, đuôi ngắn. Và béo không thể tưởng tượng nổi. Nó cứ phịch sang một bên rồi nằm nguyên đấy.”
“Có thể mèo không phổ biến ở Hokkaido lắm.”
“Cậu đang đùa tớ đấy à?” hắn hỏi tôi với vẻ kinh ngạc. “Chắc hẳn phải có mèo ở Hokkaido chứ. Chúng không thể nào quý hiếm đến thế được.”
“Ừm, theo một cách nhìn khác thì lý do gì mà mèo lại không được ở trong vườn thú chứ?” tôi nói. “Chúng cũng là động vật mà, phải không?”
“Chó và mèo thuộc về số những-con-thú-cực-kỳ-quen-thuộc. Không ai lại trả tiền để ngắm nghía chúng cả,” hắn đáp lời. “Cứ nhìn chung quanh cậu mà xem – chúng có ở khắp nơi. Cũng giống như con người vậy.”
Khi cả hai đã uống hết nửa tá bia lon, tôi bỏ bộ comple, cà vạt và giày vào trong cái túi giấy lớn.
“Cứ phiền cậu thế này thực ngại quá,” tôi bảo hắn. “Dẫu biết tớ nên mua cho mình bộ comple riêng, nhưng cứ thế nào mà chẳng bao giờ thực hiện được việc đó. Có cảm giác như thể khi mua bộ đồ chuyên mặc đi đám tang, thì tớ cũng đã chấp nhận rằng con người ta sống trên đời – rồi ai cũng phải chết vậy.”
“Có gì đâu,” hắn nói. “Tớ cũng mấy khi phải dùng tới những thứ này. Được ai đó mặc thì vẫn tốt hơn là để chúng treo mãi trong tủ. Phải không nào.”
Quả đúng vậy, hắn có bộ comple ấy đã 3 năm rồi mà họa hoằn lắm mới phải động vào.
“Rõ quái, nhưng kể từ khi mua bộ đồ này thì chẳng ai tớ quen biết qua đời cả,” bạn tôi giải thích.
“Thì những chuyện như thế vẫn thường xảy ra mà.”
“Yeah, những chuyện như thế vẫn thường xảy ra,” hắn đáp lời.
∅
Với tôi thì ngược lại, đó là Một Năm Của Những Đám Tang. Những người bạn và cả những người bạn cũ lần lượt qua đời, hệt như những bông hoa ngô héo úa trên cánh đồng mùa hạn. Tôi 28 tuổi. Bạn bè của tôi thì cũng tầm ấy – 27, 28, 29. Rõ ràng không phải độ tuổi đúng đắn để rời bỏ thế gian này.
Một nhà thơ có thể chết vào tuổi 21, một nhà hoạt động cách mạng hay một ngôi sao nhạc rock có thể chết vào tuổi 24. Nhưng sau giai đoạn ấy, bạn đoán chừng rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn. Bạn đã bứt khỏi Khúc Quanh Chết Người và thoát ra ngoài đường hầm tối tăm, dần tiến đến định mệnh của đời mình: xuôi cùng đại lộ cao tốc sáu làn xe – mặc kệ bạn có muốn hay không. Bạn cắt tóc gọn gàng, bạn cạo râu vào mỗi buổi sáng. Bạn không còn là nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng hay ngôi sao nhạc rock. Bạn không còn uống say bí tỉ rồi đổ gục trong bốt điện thoại, không còn bật nhạc nhóm The Doors ầm ĩ lúc 4 giờ sáng. Thay vào đó, bạn mua bảo hiểm từ công ty của bạn bè, uống rượu tại những quán bar trong khách sạn và giữ khư khư các tờ giấy biên lai khám nha khoa để khấu trừ tiền thuế. Vào tuổi 28, thế là hết sức bình thường.
Nhưng đó cũng là lúc cuộc thảm sát mà chẳng ai nghĩ tới bắt đầu. Kiểu một vụ tấn công bất ngờ vào một ngày mùa xuân lười biếng – như thể có ai đó đứng trên ngọn đồi siêu hình và xả từng loạt đạn vào chúng ta bằng khẩu súng máy siêu năng. Mới một phút trước ta vẫn đang còn thay quần áo, thì một phút sau chúng đã chẳng còn vừa vặn: tay áo lộn ngược ra ngoài và mỗi bên chân lại xỏ vào một cái cái quần khác nhau. Mọi thứ nháo nhào hết cả.
Tuy nhiên cái chết là thế. Một con thỏ là một con thỏ, dù nó nhảy ra từ chiếc mũ hay cánh đồng lúa mạch. Một cái lò nướng là một cái lò nướng, và làn khói đen bốc lên theo đường ống dẫn khí cũng không phải ngoại lệ – nó là một làn khói đen bốc lên theo đường ống dẫn khí.
Kẻ đầu tiên bước chân vươn qua sự ngăn cách giữa thực tế và hư ảo (hay hư ảo và thực tế) là một người bạn của tôi từ thời đại học, sau này làm giáo viên Anh Ngữ tại trường trung học cơ sở. Anh đã kết hôn được 3 năm, và vợ anh lúc ấy đang về nhà ngoại ở Shikoku để chuẩn bị sinh con.
Vào cái buổi chiều Chủ Nhật tháng Một ấm áp lạ thường ấy, anh đi tới cửa hàng bách hóa và mua hai lọ kem cạo râu cùng con dao Đức – đủ to để xẻ đứt tai một con voi. Anh quay về nhà, chuẩn bị nước bồn tắm. Lấy chút đá trong tủ lạnh, nốc sạch chai rượu Scotch, anh trèo vào bồn rồi cứa cổ tay mình. Mẹ anh phát hiện ra cái xác sau đó hai ngày. Cảnh sát đến hiện trường và chụp lại cả đống hình. Nước trong bồn tắm bị nhuốm máu có màu hệt như cà chua ép. Cảnh sát kết luận rằng đây là một vụ tự sát. Xét cho cùng, mọi cánh cửa đều bị đóng kín và anh đã tự mua con dao hung khí. Nhưng tại sao anh còn mua thêm hai lo kem cạo râu khi chẳng có ý định sử dụng? Chẳng ai hiểu nổi.
Có thể vài tiếng trước khi chết, khi vẫn còn ở cửa hàng bách hóa thì cái suy nghĩ tự sát ấy chưa đến với anh. Hoặc có thể anh đã sợ rằng người thu ngân sẽ đoán được kế hoạch của bản thân mình.
Anh không để lại di thư hay lời trăn trối nào. Trên bàn bếp, chỉ có cái ly thủy tinh, chai whiskey đã cạn, bát đựng đá viên và hai lọ kem cạo râu. Khi anh chờ nước bồn tắm đầy để chuẩn bị tự sát, tu ừng ực từng ly rượu với đá lạnh, hẳn anh đã nhìn vào hai lọ kem ấy rồi nghĩ điều gì đó tương tự như: Mình sẽ không bao giờ phải cạo râu nữa.
Cái chết của người đàn ông vừa tròn 28 cũng buồn thảm như một cơn mưa mùa đông.
Trong 12 tháng tiếp đó, bốn người nữa lần lượt qua đời.
Tháng Ba, một người bỏ mạng trong tai nạn bất ngờ tại mỏ dầu ở Ả Rập Saudi hay Kuwat, và hai người mất vào tháng Sáu – một người vì đau tim và người còn lại vì tai nạn giao thông. Từ tháng Bảy đến tháng Mười Một, hòa bình được lập lại, nhưng rồi tới tháng Mười Hai – một người bạn nữa qua đời, cũng bởi tai nạn xe hơi.
Không giống như người đầu tiên chọn cách tự sát, những người bạn kia của tôi chưa bao giờ kịp nhận ra rằng mình sắp chết. Với họ, nó cũng giống như khi leo lên những bậc thang mà họ đã bước qua hàng triệu lần, và bỗng nhiên, họ bước hụt.
“Em chuẩn bị giường cho anh nhé?” người bạn mất vì cơn đau tim đã nói với vợ anh như thế. Anh làm nghề thiết kế nội thất. Khi ấy là 7 giờ sáng. Anh dậy vào lúc 9 giờ, làm việc một lúc trong phòng riêng rồi nói rằng mình vẫn buồn ngủ. Anh vào nhà bếp, pha một chút cà phê rồi uống. Nhưng cà phê chẳng có tác dụng gì. “Anh nghĩ là mình sẽ nằm nghỉ thêm,” anh bảo. “Anh cứ nghe thấy một tiếng kêu vo vo từ phía sau gáy.” Đó là những lời cuối cùng của anh ấy. Cuộn mình trên giường, anh chìm vào giấc ngủ và không bao giờ tỉnh lại nữa.
Người bạn mất vào tháng Mười Hai là người trẻ nhất và đồng thời cũng là người nữ duy nhất. Cô mới 24, giống như một nhà hoạt động cách mạng hay một ngôi sao nhạc rock. Vào đêm mưa lạnh buốt ngay trước Lễ Giáng Sinh, cô bị chẹt giữa chiếc xe tải chở bia và trụ điện thoại đúc xi măng – một quang cảnh đầy bi kịch nhưng cũng khá quen thuộc.
∅
Vài ngày sau lễ tang cuối cùng, tôi quay trở lại căn hộ của hắn để gửi trả bộ comple – những thứ tôi mà đã mang đến tiệm giặt ủi nhờ làm cho sạch sẽ, và kèm theo một chai whiskey.
“Thật sự cảm ơn cậu rất nhiều,” tôi nói.
Như thường lệ, tủ lạnh nhà hắn vẫn chất đầy bia, tia nắng yếu ớt hắt lên chiếc ghế sofa thư giãn. Đặt trên bàn cà phê là một cái gạt tàn sạch sẽ và chậu hoa Trạng Nguyên trang trí dịp Giáng Sinh.
Hắn nhận lấy những thứ ấy từ tôi – vẫn còn để nguyên trong túi nhựa, với động tác chậm chạp như một con gấu vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ đông – và yên lặng cất đi.
“Tớ hy vọng là bộ đồ không ám mùi đám tang,” tôi lên tiếng.
“Quần áo thì quan trọng gì. Vấn đề thật sự là thứ nằm bên trong chúng.”
“Ừm,” tôi ậm ừ.
“Lại một lễ tang khác mà cậu phải đến viếng trong năm nay,” hắn nói, vươn người trên ghế sofa và rót bia vào cốc. “Bao nhiêu cái tất cả nhỉ?”
“Năm,” tôi trả lời, xòe những ngón trên bàn tay trái ra. “Nhưng tớ nghĩ sẽ chỉ thế thôi.”
“Cậu chắc chứ?”
“Quá đủ người đã phải chết rồi.”
“Nghe như thể Lời Nguyên Kim Tự Tháp hay thứ gì đó tương tự,” hắn nói. “Tớ nhớ đã từng đọc ở đâu về chuyện ấy. Lời nguyền tiếp diễn đến lúc số người chết đã đủ. Hoặc là khi một ngôi sao màu đỏ xuất hiện và bóng mặt trăng bao phủ lấy mặt trời.”
Sau khi uống hết nửa tá bia, chúng tôi bắt đầu chuyển sang rượu whiskey. Ánh nắng mùa đông nhẹ nhàng chiếu xiên vào căn phòng.
“Dạo này trông cậu có hơi trầm tư,” hắn bình luận.
“Cậu nghĩ thế sao?” tôi hỏi.
“Hẳn cậu đã nghĩ ngợi quá nhiều vào lúc nửa đêm,” hắn tiếp tục. “Tớ thì luôn ngừng chuyện suy nghĩ khi đêm đến.”
“Bằng cách nào mà cậu làm được?”
“Mỗi khi buồn rầu, tớ bắt đầu dọn dẹp. Kể cả lúc ấy có là 2 hay 3 giờ sáng. Tớ rửa chén dĩa, cọ sạch căn bếp, chà nền nhà, giặt tẩy đống khăn lau, sắp xếp lại tủ đồ, là phẳng phiu tất cả những cái áo sơ mi mà mình nhìn thấy,” hắn trả lời, khuấy nhẹ thức uống bằng ngón tay. “Tớ cứ làm thế cho đến khi kiệt sức, rồi tớ uống một chút và đi ngủ. Tỉnh giấc vào buổi sáng, khi tròng đôi tất vào chân thì tớ đã chẳng còn nhớ nổi mình đã nghĩ về chuyện gì hôm trước.”
Tôi nhìn một vòng xung quanh. Như mọi khi, căn phòng sạch sẽ tinh tươm và gọn gàng đâu vào đó.
“Con người nghĩ tới đủ thứ chuyện vào lúc 3 giờ sáng. Chúng ta ai cũng vậy thôi. Vậy nên mỗi người lại phải tìm ra một cách riêng để chống trả lại nó.”
“Có lẽ cậu nói đúng,” tôi nói.
“Kể cả lũ thú vật cũng nghĩ ngợi vào lúc 3 giờ sáng,” hắn kể như thể đang cố nhớ lại. “Đã bao giờ cậu vào vườn thú lúc ấy?”
“Chưa,” tôi trả lời đầy mơ hồ. “Không, đương nhiên là tớ chưa bao giờ làm thế.”
“Tớ mới thử một lần duy nhất. Vì có người bạn làm việc ở vườn thú, nên tớ đã xin cho lẻn vào khi anh ta trực ca đêm. Trong thực tế, việc đó bị cấm.” Hắn lắc nhẹ ly rượu của mình. “Đấy hẳn là một trải nghiệm lạ lùng. Tớ không thể giải thích nổi, nhưng cảm giác lúc ấy mặt đất nứt ra trong thing lặng và có thứ gì vô hình đang bò lên. Và rồi thứ vô hình ấy trở nên hung dữ giữa bóng tối. Dường như màn đêm lạnh lẽo cũng dần đặc quánh lại. Tớ không nhìn thấy, nhưng tớ có thể cảm nhận được, và lũ thú vật cũng cảm nhận được. Điều đó khiến tớ nghĩ đến sự thật rằng mặt đất chúng ta đang bước trên nó, thực chất còn có chiều sâu thẳm vào tận bên trong, và tớ bỗng nhận ra rằng, cái lõi trung tâm ấy hẳn đã cổ xưa lắm rồi.”
Tôi không nói được gì.
“Dù sao thì, tớ không bao giờ muốn thử lại điều đó – chuyện thăm vườn thú vào ban đêm, ý tớ là thế.”
“Cậu thích bão hơn sao?”
“Yeah,” hắn nói. “Bão thì ngày nào tớ cũng chiều.”
∅
Điện thoại đổ chuông nên hắn đi vào phòng ngủ để nhấc máy. Đó là một trong những cô bạn gái nhân bản của hắn, và một cuộc điện thoại nhân bản dài bất tận khác. Tôi cũng muốn cáo từ ra về, nhưng hắn cứ mải nói chuyện điện thoại mãi. Mất kiên nhẫn trong việc chờ đợi nên tôi bật TV lên. Đó là một cái TV màu 27 inch đi kèm bộ điều khiển từ xa để bạn chẳng phải tốn công chuyển kênh. Cái TV này có 6 chiếc loa và mang tới âm thanh rất tốt. Tôi chưa từng nhìn thấy cái TV nào tuyệt đến thế.
Tôi làm hai vòng chuyển qua tất cả các kênh trước khi dừng lại ở chương trình tin tức. Xung đột biên giới, hỏa hoạn, tỉ giá chứng khoán tăng – giảm, hạn mức mới dành cho xe nhập khẩu, họp mặt hội bơi lội ngoài trời mùa đông, một gia đình tự sát tập thể. Tất cả mớ thông tin ấy dường như kết nối với nhau, tựa những con người trong tấm ảnh kỷ niệm lễ tốt nghiệp trường trung học.
“Có thứ gì thú vị không?” bạn tôi cất tiếng hỏi khi hắn quay trở lại căn phòng.
“Không hẳn,” tôi trả lời.
“Cậu xem TV nhiều chứ?”
Tôi lắc đầu. “Tớ còn chẳng có một cái nữa là.”
“Ít ra thì TV có một ưu điểm,” hắn nói một lúc sau đó. “Cậu có thể tắt nó bất cứ khi nào thấy thích. Và chẳng ai phàn nàn.”
Hắn ấn nút OFF trên điều khiển. Ngay lập tức màn hình trống trơn. Căn phòng chìm vào thinh lặng. Ngoài cửa sổ, những tòa nhà khác đã bắt đầu sáng đèn.
Chúng tôi cứ ngồi đấy trong khoảng 5 phút, uống whiskey mà chẳng nói với nhau câu nào. Điện thoại lại đổ chuông lần nữa, nhưng hắn vờ như không nghe thấy. Khi chuông điện thoại ngưng, hắn ấn nút ON. Những hình ảnh xuất hiện tức thì, một chuyên gia đang đứng trước biểu đồ hình ảnh, diễn giải về sự thay đổi giá dầu với que chỉ bảng trong tay anh ta.
“Thấy không? Hắn đâu có bận tâm rằng chúng ta đã tắt béng hắn đi trong 5 phút vừa rồi.”
“Hẳn là vậy,” tôi nói.
“Vì sao lại thế?”
Để nghĩ thấu đáo về chuyện đó thì quá nhiều vấn đề phức tạp, nên tôi lắc đầu.
“Khi cậu tắt nó, đó là sự chấm dứt đơn phương. Đến từ hắn hoặc là từ chúng ta. Cậu chỉ cần ấn một cái nút và khiến cả một quá trình liên lạc thông tin sụp đổ. Không phải thật dễ dàng sao?”
“Đó là một hướng nhìn nhận vấn đề,” tôi đáp lời.
“Ngoài kia có cả triệu hướng để nhìn nhận một vấn đề. Ở Ấn Độ người ta đang trồng dừa. Ở Argentina người ta đang thả rơi tự do những tù nhân chính trị từ trực thăng.” Hắn tắt TV lần nữa. “Tớ thì chả muốn quan tâm bất cứ điều gì về người đời,” hắn nói, “nhưng xét ra thì trong cuộc sống này có nhiều cách để chết, chẳng cần phải kết thúc ở những đám tang. Kiểu những cái chết cậu không thể ngửi được mùi của nó.”
Tôi im lặng gật đầu. Cảm giác như tôi đã biết rõ ý tứ của hắn muốn dẫn tới đâu. Cũng ngay lúc ấy, tôi lại nghĩ mình thật sự chẳng hiểu hắn muốn nói gì. Tôi mệt mỏi và có phần hơi rối trí. Ngồi yên tại chỗ, tôi vươn tay chạm vào một trong những cái lá xanh của cây Trạng Nguyên.
“Có chút rượu champagne,” hắn nói giọng nghiêm trang. “Tớ mua nó từ hồi chuyến công tác sang Pháp dạo trước. Tớ không biết nhiều về champagne nhưng hẳn chai này cũng tuyệt đấy. Cậu muốn dùng thử chứ? Có khi champagne là thứ thích hợp khi vừa trải qua một chuỗi những đám tang liên tiếp.”
Hắn đem ra chai rượu champagne ướp lạnh cùng hai cái ly, lặng lẽ đặt chúng lên bàn rồi mỉm cười tinh nghịch.
“Mà cậu biết đấy, rượu champagne thực ra hoàn toàn vô dụng,” hắn bảo. “Giây phút vinh quang duy nhất của nó là khoảnh khắc cậu bật tung cái nút chai.”
“Việc ấy thì tớ không phản đối đâu,” tôi nói.
Chúng tôi khui chai rượu, nói chuyện một lúc về vườn thú Paris và những con vật sống ở đấy. Champagne thật sự rất tuyệt.
∅
Vào cuối năm, có bữa tiệc mừng Giao Thừa thường niên tổ chức tại một quán bar ở Roppongi, nơi vẫn hay được chọn thuê cho những sự kiện thế này. Bữa tiệc có một nhóm trio piano chơi nhạc, cùng nhiều thức ăn và đồ uống ngon lành. Khi bước ngang qua ai đó quen biết, tôi lại trò chuyện chút ít. Yêu cầu công việc khiến tôi phải xuất hiện ở đây hàng năm. Tôi không ưa tiệc tùng, nhưng lần này thì chẳng mấy khó khăn. Dù sao tôi cũng chả làm gì khác trong đêm Giao Thừa, chỉ việc đứng một mình trong góc, thư giãn, uống vài ly và nghe nhạc. Không có những kẻ đáng ghét, cũng chẳng bị giới thiệu tới những người lạ hoắc rồi phải nghe họ kể lể tới nửa tiếng đồng hồ chuyện ăn chay sẽ giúp chữa bệnh ung thư ra sao.
Nhưng tối hôm ấy, ai đó đã giới thiệu tôi với một người phụ nữ. Sau những câu chào hỏi xã giao, tôi cố rút về cái góc của mình. Tuy nhiên người phụ nữ ấy theo chân tôi về tận chỗ ngồi với một ly whiskey trên tay.
“Chính tôi đã nhờ họ giới thiệu mình tới anh,” cô nhã nhặn thừa nhận.
Không phải xinh đẹp lỗng lẫy, nhưng thật sự cô ấy trông khá thu hút. Cô mặc một chiếc váy lụa xanh đắt tiền. Tôi thầm đoán người phụ nữ này chắc khoảng 32. Cô có thể dễ dàng làm cho mình trông trẻ trung hơn, nhưng dường như cô nghĩ việc ấy chả đáng bỏ công. Ba chiếc nhẫn tô điểm trên những ngón tay, và miệng cô khẽ nở một nụ cười.
“Anh nhìn y hệt một người tôi quen biết,” cô mở lời. “Đường nét khuôn mặt của anh, dáng người anh trông từ phía sau, cách anh nói chuyện, thậm chí cả cái không khí anh tỏa ra – tất cả đều giống một cách đáng kinh ngạc. Tôi đã luôn nhìn ngắm anh từ lúc anh bước vào.”
“Nếu anh ấy giống tôi đến vậy, thì tôi cũng rất mong được gặp mặt.” không biết phản ứng theo cách nào, nên tôi hồi đáp lời cô như thế.
“Anh mong thế sao?”
“Vâng, đương nhiên tôi muốn biết cảm giác khi được gặp một người giống y hệt mình.”
Nụ cười của cô sắc lại trong thoáng chốc rồi nhanh chóng giãn ra. “Nhưng đấy là chuyện không thể,” cô nói. “Người đó đã qua đời từ 5 năm trước. Khi anh ấy cũng khoảng độ tuổi anh bây giờ.”
“Thật vậy sao?” tôi hỏi.
“Tôi đã giết anh ấy mà.”
Ban nhạc vừa hoàn thành màn diễn thứ hai, đây đó vang lên những tiếng vỗ tay hời hợt.
“Anh có thích âm nhạc không?” người phụ nữ hỏi tôi.
“Nếu đó là âm nhạc đẹp trong một thế giới đẹp,” tôi trả lời.
“Trong thế giới đẹp thì không có âm nhạc đẹp đâu,” cô nói tiếp với điệu bộ người đang hé lộ một bí mật sâu kín. “Trong thế giới đẹp, đến không khí cũng chẳng rung động.”
“Tôi hiểu,” không biết đáp lời cô ra sao nên tôi nói vậy.
“Anh đã xem bộ phim có Warren Beatty đóng vai một tay nhạc công piano ở câu lạc bộ đêm chưa?”
“Tôi chưa có dịp xem qua.”
“Elizabeth Taylor cũng đóng vai một trong những khách hàng ở câu lạc bộ đó, một nhân vật đáng thương và đầy khốn khổ.”
“Hmm.”
“Và có một phân đoạn khi Warren Beatty hỏi Elizabeth Taylor xem cô ấy có lời yêu cầu, mong muốn anh chơi bài nhạc nào không.”
“Cô ấy đã yêu cầu chứ?”
“Tôi quên rồi. Đó là một bộ phim rất cũ.” Những chiếc nhẫn trên tay người phụ nữ lấp lánh khi cô uống whiskey. “Tôi ghét những lời yêu cầu như thế. Chúng khiến tôi mất vui. Giống như khi tôi mượn một cuốn sách từ thư viện vậy. Ngay lúc bắt đầu đọc nó, tất cả những gì tôi có thể nghĩ trong đầu là về cái thời điểm mình sẽ hoàn thành trang cuối cùng.”
Cô đưa một điếu thuốc lá lên môi mình. Tôi đánh diêm châm lửa cho nó.
“Xem nào,” cô nói. “Chúng ta đang nói về người đàn ông trông giống y hệt như anh mà.”
“Cô giết anh ta bằng cách nào?”
“Tôi quẳng anh ta vào một cái tổ ong.”
“Cô đang nói đùa đúng không?”
“Vâng,” người phụ nữ trả lời.
Thay cho tiếng thở dài, tôi nhấp một ngụm rượu. Đá đã tan hết nên giờ đây vị của nó chẳng còn giống whiskey mấy nữa.
“Đương nhiên, xét về phương diện pháp luật, tôi không phải là kẻ sát nhân,” cô tiếp tục câu chuyện. “Về phương diện đạo đức cũng thế.”
“Chẳng phải là một kẻ sát nhân trên phương diện đạo đức hay pháp luật.” Dù không hề muốn nhưng tôi vẫn phải làm rõ ý cô ấy vừa nói. “Nhưng thật sự cô đã giết một ai đó.”
“Đúng rồi đấy.” Cô gật đầu vui vẻ. “Ai đó trông giống hệt như anh.”
Ở bên kia phòng tiệc, một người đàn ông bật tiếng cười to. Những người xung quanh ông cũng cười theo. Tiếng chạm ly leng keng. Nghe nó như vọng lại từ nơi nào xa xôi lắm nhưng vẫn vô cùng rõ ràng. Không hiểu sao trái tim tôi đập mạnh, kiểu nó đang phình to ra hay di chuyển lên xuống liên tục. Tôi cảm giác mình đang bước đi trên một bề mặt nổi bập bềnh trên nước.
“Chỉ mất chưa tới 5 giây,” người phụ nữ nói. “Để giết anh ấy.”
Chúng tôi im lặng một lúc. Cô cũng chẳng vội vàng gì, từ tốn nhấm nháp sự yên tĩnh đó.
“Đã bao giờ anh nghĩ tới sự tự do?” cô cất tiếng hỏi.
“Thi thoảng,” tôi trả lời. “Sao cô lại hỏi thế?”
“Anh có thể vẽ một bông hoa cúc chứ?
“Tôi cho là thế. Đây có phải bài trắc nghiệm tâm lý không?”
“Gần như vậy.” người phụ nữ bật cười.
“Chà, vậy tôi đậu rồi chứ?”
“Vâng,” cô trả lời. “Rồi anh sẽ ổn thôi. Chẳng có gì phải lo lắng đâu. Trực giác nói cho tôi biết rằng anh sẽ sống một cuộc đời dài lâu và tốt đẹp.”
“Cảm ơn cô.” tôi nói.
Ban nhạc bắt đầu chơi bản “Auld Lang Syne”.
“11:55 rồi,” cô nói, liếc nhìn chiếc đồng hồ vàng trên mặt dây chuyền. “Tôi thích bài ‘Auld Lang Syne’ lắm. Còn anh thì sao?”
“Tôi thích ‘Home on the Range’ hơn. Chắc là vì lũ nai và linh dương đó.”
Người phụ nữ mỉm cười. “Hắn anh rất yêu động vật.”
“Quả là thế,” tôi nói. Và tôi bỗng nghĩ tới người bạn thích lui tới vườn thú và bộ comple của hắn.
“Rất vui khi được nói chuyện với anh. Tạm biệt.”
“Tạm biệt,” tôi đáp lời cô.
∅
Họ thổi tắt đèn để tiết kiệm khí thở, và ngay lập tức bóng tối hoàn toàn bao phủ xung quanh. Không một ai lên tiếng. Tất cả những gì họ nghe được trong màn đêm là âm thanh nước nhỏ giọt từ trần hầm mỗi 5 giây.
“OK, mọi người cố gắng đừng hít thở quá nhiều. Chúng ta chẳng còn mấy không khí ở đây đâu,” người thợ mỏ lớn tuổi nói. Dù ông đã cố kìm giọng mình thành lời thì thầm, nhưng những thanh gỗ chống trần trong căn hầm cũng đang bắt đầu phát ra tiếng mục gãy nhè nhẹ. Giữa bóng đêm, những người thợ mỏ chen chúc vào nhau, căng tai để tìm kiếm một âm thanh. Âm thanh của tiếng đào bới. Âm thanh của sự sống.
Họ chờ đợi hàng tiếng đồng hồ. Hiện thực bắt đầu tan chảy trong đêm tối. Mọi thứ trên đời dường như đều mang tới cảm giác rằng chúng đã diễn ra ở một thời điểm xưa cũ, ở một thế giới hoàn toàn khác. Hay chúng sẽ diễn ra ở một thời điểm trong tương lai, ở một thế giới xa vời kỳ lạ?
Ở phía bên ngoài, người ta cố gắng đào một cái hố đến vị trí của họ. Quang cảnh lúc ấy trông giống như phân đoạn được cắt ra từ bộ phim nào đó.
…….
Thành phố Hồ Chí Minh – 07/01/2018
Thường tôi ít khi nào mở đầu năm mới bằng một bài viết dài. Nhưng rồi lại nhận ra đã lâu rồi mình chưa dịch thêm truyện từ cuốn Blind Willow • Sleeping Woman.
New York Mining Disaster không phải truyện ngắn tôi yêu thích của Haruki, nhưng nó lại là tác phẩm tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Bỏ qua chủ đề về cái chết, tự sát và nỗi cô đơn vốn đã quá quen thuộc khi nhắc đến nhà văn Nhật Bản này; cách ông nói về sự “đứt kết nối” mới là điểm khiến tôi thấy truyện ngắn trên đây thật sự khác lạ.
Và nó cũng có chút ít liên quan đến dịp Năm Mới.
Vậy nên, xin gửi đến bạn, người đã được “kết nối” đến tôi: chúc 365 ngày sống thật vui!
Advertisements Share this: