Làm quen Triết học qua biếm họa – Ngô Bảo Châu

Lời giới thiệu và trích đăng cuốn “Làm quen triết học qua biếm họa” của Michael F.Patton và Kevin Cannon, bản dịch của Đỗ Trí Vương.

Bertrand Russel xác định vị trí của triết học là nằm ở đâu đó trong khoảng trống giữa thần học và khoa học. Giống như thần học, không thể trả lời những câu hỏi triết học đến tận cùng, hiểu biết của triết học luôn mang tính bất toàn. Mặt khác, giống như khoa học, triết học vận hành bằng lý trí và suy luận chứ không cho phép mình nương vào đức tin, mạc khải hay lý lẽ quyền lực. Nếu như khoa học chưa đưa ra được câu trả lời thích đáng cho những suy tư nguyên thuỷ của con người, thì những câu trả lời mà thần học đem đến ngày nay có vẻ không còn tính thuyết phục như trước đây. Vì thế mà dù cho câu trả lời của triết học thiếu tính xác quyết, nó thật cần thiết cho những ai còn ngay ngáy suy tư.

Nhà toán học ngày nay ít khi đọc trực tiếp sách của các tiền bối như Euler, Gauss … vì những khái niệm và định lý quan trọng của Euler và Gauss liên tục được tổng quát hoá và làm cho sáng, cho rõ hơn. Tính kế thừa trong triết học thì rất khác. Người đi sau đôi khi, thậm chí thường xuyên phủ định những gì người đi trước nói, nhưng bản thân sự phủ định đó thường không triệt để vì định đề triết học không có tính xác quyết tuyệt đối như toán học. Vì thế, học triết vẫn phải bắt đầu từ lịch sử triết học để qua đó, người học nắm bắt được những luận cứ cơ bản của những bộ óc triết lý theo dòng lịch sử. Chính những luận cứ đó, có lúc bổ trợ cho nhau, có lúc đối lập thậm chí mâu thuẫn với nhau, làm nên nền tảng của triết học.

Làm quen triết học qua biếm họa của Patton và Cannon là một quyển sách đáng yêu. Nó dành cho bất cứ ai còn có suy tư và băn khoăn về triết học. Các luận cứ cơ bản của các triết gia lớn được trình bày một cách giản dị, dễ hiểu, thoang thoáng hài hước mà càng đọc, người đọc càng bị cuốn hút hơn bởi những câu hỏi triết học. Các nhân vật, những bộ óc triết lý lớn của lịch sử, không xuất hiện theo trình tự thời gian, mà theo trình tự của những câu hỏi triết học.

Những câu hỏi này lần lượt xuất hiện khi người đọc xuôi thuyền cùng Heraclitus theo dòng sông triết học. Tại sao không thể tắm hai lần trong một dòng sông? Nếu không có ai chứng kiến khi cây cổ thụ đổ ở trong rừng thì cay đổ có gây tiếng động hay không? Có linh hồn hay không, cơ thể và linh hồn là hai hay là một? Dù không thể hoặc chưa thể có câu trả lời xác quyết cho những câu hỏi này, nghe Patton và Cannon thuật lại những suy nghĩ và lập luận của các bộ óc triết lý vĩ đại bằng truyện tranh thật là thú vị. Dù không phải là phương tiện truyền thống để truyền tải các tư tưởng triết học, nhưng Patton và Cannon đã thành công trong việc sử dụng truyện tranh để giới thiệu một diện mạo dễ mến của triết học mà không hề thoả hiệp với sự dễ dãi và thiếu chặt chẽ như thường thấy trong các sách triết học đại chúng.

Nếu bạn đặt ra câu hỏi “học để làm gì” thì quyển sách này không dành cho bạn. Nếu bạn hài lòng câu trả lời “trời sinh ra thế”, “hợp đạo trời” thì có lẽ quyển sách này cũng không dành cho bạn. Nhưng nếu bạn, dù còn trẻ hay đã già, vẫn băn khoăn với những câu hỏi triết học con trẻ, và muốn biết tất cả những câu trả lời khả dĩ cho nó, đơn giản chỉ vì bạn cảm thấy cần phải biết, thì quyển sách này là dành cho bạn đấy.

Tháng 6/2016

Giáo sư Ngô Bảo Châu, Đại học Chicago, Hoa Kỳ

Advertisements Share this:
Like this:Like Loading... Related