Làm quen Kinh tế học qua biếm họa – Tập 2: Kinh tế Vĩ mô – Lê Hồng Giang

Lời giới thiệu và trích đăng cuốn “Làm quen kinh tế học qua biếm họa, tập 2: Kinh tế Vĩ Mô, của Grady Klein & Tiến sĩ Yoram Bauman, bản dịch của Lê Khánh Toàn.

Hầu hết các giáo trình và khoá học kinh tế đều mặc định chia kinh tế học thành hai nhánh: vi mô và vĩ mô, với hàm ý vi mô cho từng cá thể còn vĩ mô cho cả nền kinh tế. Thực ra vi mô có thể coi là nền tảng chung của kinh tế học, vĩ mô theo nghĩa hẹp của từ này là một trong các nhánh chuyên sâu tương đương như kinh tế học tài chính, kinh tế học lao động, kinh tế học phát triển, kinh tế học môi trường… Bởi vậy, tập hai này dù có tên là kinh tế học vĩ mô, thực ra bao quát khá nhiều nhánh chuyên sâu khác sau khi một số nền tảng cơ bản đã được giới thiệu trong tập đầu.

Với kinh tế học vĩ mô theo nghĩa hẹp những khái niệm thường gặp trên báo chí như lạm phát, thất nghiệp, GDP được giải thích khá cặn kẽ thông qua những hình ảnh và lời thoại dí dỏm. Bằng cách giới thiệu hai trường phái vĩ mô chính có nhiều điểm đối nghịch: trường phái cổ điển và trường phái Keynes, Klein và Bauman đã khéo léo giải thích cho người đọc thấy tại sao các nhà kinh tế lại có thể có quan điểm rất khác nhau khi đối mặt cùng một vấn đề. Đỉnh điểm của sự khác biệt này là quan điểm về vai trò của nhà nước trong một nền kinh tế thị trường. Xét cho cùng kinh tế học vẫn là một ngành khoa học xã hội mà nhân sinh quan của các nhà kinh tế có vai trò rất lớn định hình quan điểm về thế giới quan của họ, không chỉ trong kinh tế học vĩ mô mà cả các vấn đề chính trị xã hội rộng hơn như bảo vệ môi trường, công bằng xã hội…

Cũng giống như tập đầu, Klein và Bauman đã cố gắng hệ thống các vấn đề kinh tế ở tầm mức vĩ mô theo ba mức độ: từng nền kinh tế riêng rẽ, hai hoặc một nhóm quốc gia và cuối cùng là toàn bộ trái đất. Phần đầu về nhánh vĩ mô theo nghĩa hẹp cho từng quốc gia trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Phần hai giới thiệu những lý thuyết và khái niệm liên quan đến giao thương và dòng chảy vốn qua lại biên giới các nước. Phần này tiếp cận thương mại quốc tế bằng cách so sánh với tiến bộ công nghệ để giúp cho độc giả thấy được lợi ích cốt lõi của các hoạt động giao thương. Tuy nhiên, hai tác giả cũng không quên nhắc đến một số mặt trái và những tranh cãi chưa ngã ngũ về toàn cầu hoá. Phần cuối về các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt như biến đổi khí hậu, thay đổi cơ cấu dân số, xóa đói giảm nghèo… Đây rõ ràng là những vấn đề vô cùng hệ trọng nhưng đáng tiếc là cộng đồng quốc tế chưa có giải pháp căn cơ nào. Phần này nêu ra nhiều câu hỏi và thách thức hơn là đưa ra những câu trả lời.

Có thể nói, tập hai này vẫn tiếp tục giúp độc giả tìm hiểu những khái niệm và vấn đề kinh tế ở tầm mức vĩ mô một cách rất dễ hiểu. Chỉ hơi tiếc là kinh tế học vĩ mô phải bao trùm quá nhiều lĩnh vực chuyên sâu nên tập sách này bị “quá tải”, nếu được chia thành 2 – 3 tập nhỏ thì đỡ gây “hãi hùng” cho độc giả hơn. Tuy vậy, hình thức truyện tranh hài hước của tập sách sẽ giúp bạn đọc dễ dàng “tiêu hoá” một lượng kiến thức kinh tế rất lớn. Nhờ đó các bạn sẽ có một cái nhìn khoa học hơn về những vấn đề kinh tế dù trong một gia đình, một cộng đồng, một quốc gia hay trên toàn thế giới.

Tháng 6 năm 2016

Tiến sĩ Kinh tế Lê Hồng Giang – Brisbane, Úc

Advertisements Share this:
Like this:Like Loading... Related