[Review] Kẻ móc túi – Nakamura Fuminori

Điều đầu tiên, trong vạn điều, mình xin dành lời khen đến chất lượng hình thức của cuốn sách. Đây có lẽ là cuốn sách chữ không màu đẹp nhất của Nhã Nam, giấy ngà không lóa, không trắng như loại giấy in rẻ tiền, định lượng tốt, một cuốn 150 trang gần dày bằng cuốn 290 trang khác. Khi lật từng trang thì thấy giấy đanh và chắc. Giờ đến nội dung. Nói về dòng noir thì Nakamura chính là một trong những cái tên tiêu biểu. Truyện kể về Nishimura – một tên lang bạt ở Tokyo nuôi sống bản thân qua ngày bằng ngón nghề móc túi điêu luyện của mình. Rồi sau một phi vụ thì gã được một tên trùm yakuza để ý, và bắt ép bản thân gã phải thực hiện ba vụ móc túi khác mà nếu không làm, không những hắn, mà cuộc sống của một vài người khác cũng bị liên lụy. Mình đọc khá nhiều review, phần lớn đều đi theo cốt truyện từ đầu đến cuối và nhận xét về tình tiết truyện là chính, nhưng mình sẽ nhận xét theo chiều dọc: tuyến nhân vật – một trong những điểm đáng tiếc nhất của cuốn này. Truyện kể bằng ngôi thứ nhất. 
1. Nhân vật chính. Mình cũng phải nói là cả truyện xoay quanh nhân vật này, vừa tác giả dựa vào tình tiết cũng như những vấn đề bức bách để đẩy tính cách của nhân vật, phác họa nên một kẻ mà không có người thân, sống cô đơn và không có bất cứ mối liên hệ nào với cuộc đời, cho đến khi gã gặp những người những chuyện khiến bản thân thay đổi, và nhận ra đâu đó trong thâm tâm vẫn còn những tính cách rất con người, như lòng trắc ẩn và ham muốn được sống vì người khác. Nếu như những ngón nghề móc túi được miêu tả rất kỹ lưỡng, thì những đoạn nói về nội tâm và sự thay đổi của gã lại không có mấy. Điều này khiến cho tên trộm từ đầu đến cuối không mang nổi một nét cá nhân nào, và tình người trong gã được miêu tả rất khiên cưỡng.
2. Nhân vật phụ. Đầu tiên là Saeko: Đây là một nhân vật chỉ được nhắc đến qua những hồi tưởng của kẻ móc túi, là người yêu cũ, giờ đã có gia đình, là một mảnh ký ức như chất keo gắn gã lại với cuộc đời, vì gã không sống cho hiện tại, gã chỉ dùng quá khứ để nhấm nháp qua ngày mà thôi. Thế nhưng, ngoài việc được kể lại qua những hồi ức chập chờn, Saeko không đóng bất kỳ vai trò gì trong cốt truyện. Nếu không phải Saeko, hoặc nếu không có nhân vật Saeko, truyện vẫn có thể diễn biến một cách trơn tru. Saeko như món mì chính giúp cho món ăn mượt mà hơn thôi, nhưng nếu thế thì nhân vật này làm chưa tới. 
3. Thứ hai là hai tên đồng bọn của Nishimura: Tachibana và Ishikawa. Ishikawa đãng nhẽ ra có thể là một nhân vật cực tốt nếu không chết quá sớm, một cái chết vô cùng dễ hiểu khi đã dính tới xã hội đen: you know too much, đây chính là sự lãng phí trong truyện. Và Tachibana thì nhạt nhẽo đến độ chẳng đáng để quan tâm. 
4. Thứ ba là nhân vật cô gái điếm và thằng bé con: đây chính là tuyến nhân vật khơi dậy lòng trắc ẩn của nhân vật chính, khiến cho hắn có thêm một mối vương vấn với cuộc đời và cũng chính là điểm yếu chí mạng để người khác có thể lợi dụng gã. Thằng bé bị mẹ nó bắt đi ăn cắp đồ ở siêu thị, để rồi khi Nishimura nhìn thấy, gã đã giúp thằng bé, cho tiền nó và thậm chí dạy nó móc túi một cách chuyên nghiệp hơn. Đoạn này mình thấy rất thích, vì may mắn là tác giả không xây dựng Nishi như một bậc thánh nhân dạy thằng bé không được đi ăn trộm giống như hắn, mà thay vào đó, gã dạy thằng bé ăn trộm. Tình người không phải được thể hiện qua giáo điều, mà bằng chính những hy sinh nhỏ nhặt như thế này, gã đưa thằng bé cần câu cơm của mình, vốn liếng để sống của gã, gã dạy cho thẳng nhỏ. Vì xét cho cùng, một thằng móc túi thì tư cách gì mà dạy dỗ người khác điều hay lẽ phải, thà rằng thực tế đi. Giống như khi nói chuyện với mẹ nó, gã nói: Tôi là một thằng móc túi, nên tôi chẳng có quyền khinh rẻ gái điếm đâu. Thế nhưng, ở đoạn cuối, khi Nishi quyết định hành động, khi gã sắp chết, thì tuyến nhân vật này cũng bị gián đoạn theo luôn. Điều mà hai nhân vật này làm được, đặc biệt là thằng bé, khi nó bắt đầu muốn học nhiều hơn, lấy được nhiều tiền hơn, đó là phơi bày một góc khuất trong một xã hội u ám: không phải cuộc sống bấp bênh của những tên móc túi lang bạt, mà là việc không một ai trên đời có thể thoát khỏi vòng xoáy của tiền bạc và cuộc sống hào nhoáng giàu sang, vì thế, đừng có mà nói về lẽ phải nữa, chán bỏ mẹ. Có một câu như này: “Nhưng mày có công nhận rằng nếu không có khái niệm ‘sở hữu’ thì hiển nhiên sẽ không có khái niệm ‘trộm cắp’ không? Chừng nào trên thế giới vẫn còn dù chỉ một đứa trẻ đói ăn thì chừng đó mọi sự sở hữu đều là xấu.”
5. Nhân vật ông trùm Kizaki: Được khắc họa như một tên mafia với khả năng thâu tóm tài chính và chính trị. Kizaki xuất hiện và sai khiến người khác như một kẻ gàn dở. Điêù khiến nhân vật này ấn tượng hơn những nhân vật khác là nhờ vào câu chuyện Quý tộc và cậu bé của hắn, khiến hắn đam mê điều khiển kẻ khác, bóp chết từng đứa trong vòng quay vận mệnh mà chính lão vẽ ra. Có một câu khá hay lão nói như thế này: “Mày không nghĩ đứng trên người khác và điều khiển họ như thế giống với Chúa Trời hay sao? Giả sử có Chúa Trời thật thì Chúa Trời chính là người được nếm trải thế giới này nhiều nhất. Khi điều khiển số phận của người khác, thỉnh thoảng tao lại có cảm giác đồng hóa với người đó. Suy nghĩ, cảm nhận của họ xâm nhập vào trong người tao. Cảm giác trạng thái cảm xúc của nhiều người đồng loạt xâm nhập vào tao. Vì mày chưa trải qua nên mày không hiểu được. Trong tất cả khoái lạc, đây là khoái lạc cao nhất.”
Cái kết của truyện này lửng lơ, không quan trọng là tên móc túi sống hay chết, quan trọng là đến phút cuối, hắn vẫn cố gắng đấu tranh vì sự sống của chính mình. Dù sự sống đó có rẻ mạt và không đáng quý đến mức nào chăng nữa. Đúng như Laura Wilson đã nói, cuốn này không dành cho những người ưa thích tiểu thuyết trinh thám truyền thống. Vì với mình thì cuốn này không phải trinh thám =)) Nó đặc biệt nhưng chưa đủ đặc biệt để đọng lại lâu. Advertisements Share this:
Like this:Like Loading... Related