Nhưng trong suốt quãng thời gian chăm chỉ xem VTV2 về mấy chủ đề văn hóa, mình không hề quan tâm một chút gì tới Hà Nội, mà lại thích những bước trầm lịch sử có hơi hướm thần thoại như đấu trường Collide hay là thành Rome. Cha chả, thời đó hời hợt ghê lắm, thích cũng không thích một cách điên cuồng, hứng lên thì làm, xong rồi chán thì thôi. Đi chùa đọc qua loa về lịch sử, về tích cũ, xong cũng quên.
Cho tới khi nghe bài “Đêm nằm mơ phố“.
Bài hát này khá là đặc biệt, khi mình nghe ca sĩ hát live qua tivi, chạy qua một vài đoạn hình ảnh về Phố Phái, lập tức bị nó thu hút..Tuy nhiên lại không để ý tên bài hát, thời đấy tivi còn chưa có cái trò là để tên bài hát khi gần kết thúc. Vậy là ngẩn ngơ mãi, đi hỏi bố mẹ thì nhận được những cái lắc đầu, hai người cũng đâu có để ý. Thích mà không biết đích xác nó là cái gì, cảm giác vô cùng ức chế. Thành ra nhớ dai. Sau này gặp lại, chỉ nhớ phố phái và cái âm điệu da diết, khi ấy học cấp ba, bắt đầu tìm hiểu một tý về Hà Nội, mới biết cái gì gọi là tranh Bùi Xuân Phái, cái gì gọi là Phố Phái, cái gì là cảm hứng Hà Nội.
Trên mạng chỉ còn mỗi hình ảnh này là rõ ràng nhất, tuy không biểu đạt tốt nhất dòng tranh của Bùi Xuân Phái, nhưng mình vẫn dùng thôi Phố Phái qua ấn tượng đầu tiên của mình chính là những ngôi nhà mái ngói thật tĩnh, có chút trầm buồn, lại có chút tăm tối (?). Thật sự cho dù có đọc nhiều bài cảm nhận về tranh, mình cũng không thay đổi được mắt nhìn này. Có lẽ vì tranh được trình bày cùng với một bài ca về đêm Hà Nội khiến con người ta không có cảm giác khác đi được. Lời bài hát đó lại như thể được viết riêng cho dòng tranh Phố cổ Hà Nội của nhà họa sĩ trứ danh ấy vậy. Chính mình còn được trực tiếp trải qua khái niệm cái gì gọi là “đèn dầu khuya quán quen chờ sáng“, mỗi khi mất điện mẹ đều thắp đèn dầu, cả nhà chong đèn ngồi ăn cơm, có khi được chơi ô ăn quan với bố, có khi chờ bố đi làm về. Năm 95 đến khoảng 99, nhà rất nghèo, bếp than không có, mẹ đun bếp dầu, có khi qua vườn nhà bà trẻ đun bếp củi. Nhà có một chuồng gà, một con cún khoang đen khoang trắng rất khôn, một mảnh vườn trồng rau. Đi học về thì đi chơi với bạn, không thì đùa với con cún ở ngoài vườn, ra vườn ngó nghiêng những cây rau ngày một lớn dần, sau đó cùng mẹ hái rau đem vào bếp nấu cơm. Dù bây giờ đã khá giả hơn, mình mới biết, mình vẫn luôn thích cái khoảng thời gian nhà mình khốn khó như vậy, nó giản dị và vui, và nó đúng chất Hà Nội – mảnh đất để bám trụ lại khá là khó khăn. Một thời như thế, lại cùng với cuốn “Khói” của Đoàn Bảo Châu, càng làm cho con người ta nhớ, nhớ da diết. Giờ chẳng còn nhà gạch mái ngói như phố Phái nữa rồi, cũng không có “đèn dầu”. Nhớ cái cảm giác gặp những con người Hà Nội ngày bé, ai cũng có một chút vị thâm trầm, làm mình vừa nể vừa sợ. Cũng là điều mình muốn cho một người bạn thấy, khi mình nhận lời với cô ấy về một bộ ảnh Hà Nội. Lại sắp già thêm một tuổi và chuẩn bị quên đi vài thứ. Trước ngày sinh nhật mình viết cái này ra, phòng khi lúc nào quên thì đọc lại. Kí ức không phải lúc nào cũng bên ta mãi, nhất là kí ức đẹp, lưu giữ lâu cũng phải phai nhạt theo thời gian. Nhưng tối nay sẽ không hát “Đêm nằm mơ phố“, cũng không tập intro theo kiểu rất classic của haketu, mà nghe “The Blue Danube” của Strauss và kiếm một giấc ngủ ngon. Những ngày tháng 10 Hà Nội rất đẹp, sẽ dành chút tâm tư để thưởng thức thời tiết này. —————————– P.s: Một vài dòng cảm nhận nhỏ viết cách đây 3 năm, thật trùng hợp làm sao năm nào ngày này cũng vậy, cũng đẹp và cũng hợp với những dòng viết cũ kĩ đến khó hiểu. Còn người thì lại càng chai sạn đi, bận rộn hơn, nhưng chưa chắc đã hạnh phúc hơn.Advertisements Share this: