“Đâu cần phải tha thứ hết mới có thể yêu thương.”
Đây là một trong những cuốn mình đánh giá bìa đẹp nhất của Nhã Nam, kể từ sau Màn và Một cuộc gặp gỡ của Milan Kundera. Vì nó rất gợi và tinh tế, để phân tích bìa này chắc cũng phải dăm đoạn, nhưng nói chung là khi đọc hết tác phẩm, thì bạn sẽ càng cảm nhận về bìa một cách sâu sắc hơn nữa. Bìa quốc tế xấu lắm thật sự ; ; (Xin dành một tràng pháo tay nhiệt liệt cho anh Nguyễn Nầm Tung <3)
Mình biết về Banana từ Kitchen qua giới thiệu của một người bạn, và mình rất thích cuốn đó. Banana luôn viết một câu chuyện với kết thúc có hậu nhẹ nhàng, và không khó để khiến người đọc cảm thấy thoải mái, thay vì sự bức bối hay đắn đo dằn vặt như những tác giả khác. Câu chuyện kể về Nakajima – một chàng trai có quá khứ đau khổ và Chihiro – một cô gái có gia cảnh kỳ lạ. Nếu nói về Chihiro, bố cô là giám đốc một công ty nhỏ ở một vùng quê, còn mẹ cô là một mama cho một club gần đó, hai người không cưới nhau nhưng Chihiro vẫn được sinh ra trong tình thương của bố mẹ, có chăng chỉ là sự ghét bỏ của họ nội mà thôi. Tự bản thân cô cũng thấy mình không bất hạnh, vì “mỗi nhà mỗi cảnh”. Chihiro chỉ thực sự gục ngã khi mẹ cô qua đời, khi cô nếm trải những đau khổ và dằn vặt thì lúc đó cô gặp Nakajima.
Nếu so với những gì Nakajima phải chịu đựng, thì cô vẫn là một người hạnh phúc hơn nhiều. Nakajima là người đầu tiên khiến cho Chihiro phải suy nghĩ về việc “nghiêm túc”. Đây là một nhân vật cũng giống như những Yuichi khác trong truyện của Banana, một chàng trai nam tính nhưng đầy nhẹ nhàng, tinh tế và dịu dàng. Nakajima trong miêu tả của Chihiro là một tên bất lực, không thể làm tình theo cách cô muốn, gầy quắt queo nhưng lại mang trên mình thứ ánh sáng khiến người ta tò mò, khiến cô muốn tìm hiểu thêm về hắn và ôm một giấc mộng lâu dài về cuộc sống về sau.
Cái tình yêu của Chihiro và Nakajima nhìn vào giống như cái mà người ta vẫn luôn gọi là “đồng bệnh tương lân”, là “tri kỷ” vậy, họ cùng có tổn thương và khuyết thiếu trong tâm hồn, và họ đến với nhau rất tự nhiên để làm dịu đi nỗi đau của mỗi người. Và mình luôn nghĩ, chính Chihiro đã khuấy động mặt hồ tĩnh lặng như một tấm màng che kín quá khứ đang cuộn dâng như sóng ngầm dưới đáy hồ của Nakajima, và Nakajima cũng làm điều tương tự. Cái đẹp trong tình yêu của hai con người này không phải cái gì mãnh liệt, không phải cái gì mất đi lý trí, mà nó đơn giản chỉ là sự tin tưởng vào nhau, sự quyết tâm chia sẻ và một sự hy vọng ở nhau. “Hóa ra có một thứ tình yêu như thế. Thứ tinh yêu không chỉ là lo lắng cho nhau, ôm nhau vào lòng, muốn được ở cùng nhau, mà là thứ tình yêu chính vì phải cố kìm nén thật chặt ở trong lòng nên mới cảm nhận được một cách tuyệt đối đến vậy.”
Chuyện của Chihiro thực tế, thô ráp, còn câu chuyện của Nakajima lại huyền ảo hơn rất nhiều. Phân đoạn Chihiro gặp Mino và Chii, mình có cảm giác mình đang không đọc một cuốn truyện xã hội nữa, mà thực sự bị cuốn vào một khung cảnh trong tưởng tượng, với sự tĩnh lặng và huyền diệu của không gian. Một bên là thực tế, một bên là mộng ảo, song song nhau nó tạo ra sự khác biệt rạch ròi nhưng cũng lại vô cùng đồng điệu. Hồ khác những cuốn khác cùng tác giả là ở điểm nó đưa triết lý vào một cách dày đặc nhưng không bị mất tự nhiên. Và khi đọc mỗi một câu, mỗi người lại có cảm giác nhìn thấy bản thân mình trong đó. “Ai cũng hiểu rõ sự nặng nề tiềm ẩn ấy, nhưng ai cũng giả đò như không biết để mà sống. Hàng ngày, người ta chỉ nhìn thấy những gì mình muốn thấy.”, “Nó quá ư đẹp đẽ thành ra cũng giống như một nỗi buồn. Thật giống với cái cảm giác khi chợt nhận thức rằng nếu nhìn đời bằng đôi mắt mở to, ta sẽ thấy thật ra khoảng thời gian mình được sống trên cõi đời này chẳng nhiều nhặn gì.”
Và có một câu mà mình yêu nhất, nó nằm ngay trang đầu của Hồ: “Khi ở dưới đáy vực, ta sẽ thấy nơi chốn ấy có một sự ngọt ngào riêng, không giống bất cứ một nơi nào khác.” Với mỗi một ai đã có những vết thương lòng khó chữa, thì chắc hẳn sẽ rất thấm thía câu này.
Advertisements Share this: