[Review 2017] Ruột ơi là ruột – Giulia Enders

Nếu bạn có ý định bước chân vào một thế giới đầy lạ lẫm trong chính cơ thể mình – thế giới của vi khuẩn, thì bước đầu tiên không phải là cứ nhòm vào bụng và vẫy tay xin chào một cách cuồng nhiệt với bất kì con vi khuẩn nào. Dẫu sao thì bạn và chúng cũng chưa biết nhiều về nhau. Thay vào đó, Muỗng sẽ giới thiệu cho bạn một đầu sách hướng dẫn du lịch đầy hữu ích: “Ruột ơi là ruột” của Giulia Enders. Với cách viết nghiêm túc mà hài hước đến lạ, “Ruột ơi là ruột” sẽ làm quá trình khám phá hệ sinh thái trong ruột của bạn trở nên thú vị và bớt khó khăn hơn.

“Nếu tính theo hệ vi khuẩn đường ruột, chúng ta đạt tới sự trưởng thành vào năm ba tuổi. Đối với ruột, làm một người trưởng thành có nghĩa là phải biết cách làm việc và biết mình thích cái gì. Khi đến giai đoạn này, một số phi khuẩn đường ruột cũng tìm thấy chính bản thân mình trên cuộc hành trình lớn với chúng ta trong suốt cuộc đời.”

Cuốn sách được viết rất dễ hiểu, không nặng tính chuyên ngành y khoa bác học, phức tạp. Dù vậy, bạn hẳn sẽ phải ngạc nhiên rất nhiều về những kiến thức về hệ tiêu hóa, về các vi khuẩn đường ruột thân thiện như Bacteroides hay các khuẩn Probiotic và về các khuẩn có hại như Samonella và Toxoplasma (tớ tin bạn sẽ nhìn chú mèo của mình một cách đầy ngạc nhiên và e sợ sau khi đọc về loại vi khuẩn này)… Hay về mối liên hệ giữa các vi khuẩn trong ruột tới hành vi, tính cách, bệnh trạng của con người. Tác giả còn giải thích cho chúng ta những hiểu lầm tai hại về việc sử dụng thuốc kháng sinh và vô vàn những điều thú vị khác.

Ngoài ra quan điểm và lập luận thống nhất của Giulia Enders trong cả cuốn sách là một điểm cộng lấp lánh. Nhất là khi ta so sánh “Ruột ơi là ruột” với những cuốn sách khác viết về sức khỏe hay dinh dưỡng, những cuốn sách này thường khiến người đọc lạc trong một đống sương mù bằng các kiểu ý kiến đối ngược nhau ở chương trước, chương sau. Nhưng xét cho cùng thì “Ruột ơi là ruột” cũng chưa phải là một cuốn sách thỏa mãn mọi lo lắng về sức khỏe, đặc biệt là với những ai hay tìm đọc những dạng sách, tạp chí chuyên ngành về y khoa, sức khỏe, dinh dưỡng hay về nông nghiệp. Dễ hiểu thôi, cuốn sách được viết như một cuốn giáo khoa nhập môn vi sinh vật cho những người không theo học y khoa, nhằm để lan tỏa những kiến thức cho tất cả mọi người. Cuốn sách này sẽ không có những giải pháp hoàn hảo được quy chuẩn trên toàn thế giới như thể sáu bước rửa tay, bởi ngành nghiên cứu vi khuẩn, nấm men cũng còn đang phát triển và mới nhận được sự quan tâm gần đây. Nhưng bạn có thể bảo vệ mình – cũng như các vi khuẩn tốt thường trú trong ruột của bạn bằng một vài cách đơn giản mà tác giả đã chỉ ra:

Rửa sạch thực phẩm, rửa sạch tay, nấu chín thức ăn, ăn những thực phẩm hoặc thực phẩm bổ sung có chứa lợi khuẩn, tránh sử dụng kháng sinh nếu không thực sự cần thiết…

“Những người đưa hình chụp bữa ăn tối của họ lên Facebook chỉ để thất vọng vì số “like” nhận được quá ít đơn giản là những người đã tìm nhầm đối tượng khan giả. Nếu như có một thứ như là Facebug (tức Facebook cho vi sinh vật!), một bức hình chụp bữa ăn tối của bạn sẽ tạo nên một hưởng ứng đầy háo hức từ hàng triệu người dùng – và sự rùng mình ghê tởm từ hàng triệu người khác.”

Bên cạnh đó là những hình minh họa vô cùng dễ thương của chị gái tác giả, Jill Enders đã làm cho cuốn sách thêm dễ hiểu và thu hút hơn. Đây thực sự là một cuốn sách đáng đọc cho những ai quan tâm tới sức khỏe của mình. Tin tớ đi, bạn hẳn sẽ tự hào  và thay đổi hẳn cách nhìn về cơ thể của mình cùng những con vi khuẩn trong ruột sau khi đọc cuốn sách này. Nhờ lẽ ấy mà chúng ta sẽ chẳng ngại gì về việc vi khuẩn trong ruột chúng ta thi thoảng sẽ tạo ra một vài tiếng động cùng chút mùi buồn cười đâu nhỉ?

  • Rate: 7,5/ 10⭐
  • Muỗng có recommend? Có, một cuốn sách về sức khỏe (đường ruột) mà bạn nên đọc. Hoặc không hãy đọc nó nếu bạn tò mò về việc những miếng bánh mà bạn ăn đã biến đi đâu sau khi chui vào cuống họng.

 

{ #silverspoon17reading }

Advertisements Share this:
Like this:Like Loading...