“… hãy nhìn vào Samsung: Họ không tạo ra bất cứ công nghệ hay sản phẩm mới nào. Thật ra, Nhật Bản mới là lãnh địa của các phát minh, chẳng hạn như sự phát triển đĩa DVD và CD hay việc phát minh ra sợi cáp quang. Có năng lực kỹ thuật là quan trọng, nhưng con cảm thấy có năng lực cách tân trong kinh doanh còn quan trọng hơn, nó khiến việc kết hợp những thứ mới mẻ trở nên khả thi. Ngay cả iPhone cũng chỉ là phần công nghệ kết hợp một chiếc điện thoại, Internet và một camera. Xét về mặt ý tưởng, nó chính xác giống với i-mode(1), nhưng về mặt thị trường, iPhone đã tiến ra toàn cầu còn i-mode trở thành Galapagos(2). Tất cả những điều này giải thích tại sao chúng ta cần tiến lên một bước trong cạnh tranh quốc tế và phát triển năng lực mở rộng kinh doanh ra toàn cầu.”
Chú thích
(1) i-mode là dịch vụ web cho điện thoại đầu tiên trên thế giới, được phát triển bởi NTT DoCoMo vào năm 1999, vốn được ứng dụng chỉ cho điện thoại di động của Nhật Bản và chỉ tương thích ở Nhật Bản.
(2) Galapagos là một quần đảo xa xôi nằm tách biệt ở Thái Bình Dương, hiện thuộc chủ quyền của Ecuador và nằm cách nước này hơn 900 km. Trong cuốn sách, Galapagos được hai cha con tác giả sử dụng như một ẩn dụ cho tình trạng khu biệt, cách ly với thế giới của Nhật Bản.
—
“Một vấn đề khác là sự cứng nhắc trong chính sách thuê nhân công. Hệ thống làm việc trọn đời(1) đang gây ra những tác động tiêu cực và hạn chế năng lực phát triển một lực lượng lao động linh hoạt cho các công ty và các trường đại học. Kết quả là những nhân công tuổi trung niên ở lại công ty vĩnh viễn, đánh mất đi cơ hội việc làm cho người trẻ.”
Chú thích:
(1) Nguyên văn: “lifetime employment system”, chỉ chính sách lao động của các công ty Nhật Bản là khi đã tuyển dụng một nhân sự thì có trách nhiệm tạo công ăn việc làm đến trọn đời cho nhân sự đó.
—
“Không thể nào tất cả lao động trình độ cao ở Nhật Bản đều là người Nhật được. Đã có những kế hoạch tạo ra phiên bản NIH của Nhật Bản, nhưng mục tiêu này vô cùng khó đạt được chỉ với các nhà nghiên cứu Nhật Bản. Chúng ta cần phải xem xét cách thức thu hút những người giỏi nhất và sáng láng nhất – những trí thức hàng đầu – tới Nhật Bản.”
—
“Điều cũng quan trọng, dù đây là cách đi vòng để giải quyết vấn đề, đó là nhu cầu cải cách giáo dục. Có kỳ vọng rất lớn rằng giáo dục ở Nhật Bản sẽ thay đổi và Nhật Bản sẽ thay đổi theo. Vì mục tiêu đó, con tin rằng chúng ta phải đầu tư vào giáo dục và xây dựng những phương pháp khả thi để cải thiện năng lực tiếng Anh. Tất cả những điều này, bao gồm đề xuất của con về ý tưởng cao tốc IT, đều bổ sung cho điều mà con xem là nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông tin thế hệ tiếp theo của chúng ta.”
“Điểm đầu tiên con muốn đưa ra là chúng ta nên ưu tiên quyền tự do lựa chọn thay vì giáo dục rập khuôn. Điểm thứ hai là chúng ta cần đầu tư vào giáo dục. Chúng ta cần định nghĩa lại giáo dục. Không nên nghĩ đó là chi phí mà là một khoản đầu tư. Điều đặc biệt quan trọng là chúng ta cần tạo ra một hệ thống giáo dục năng động với số giáo viên nhiều hơn hẳn hiện giờ.
“Chúng ta cần tiến triển, thoát khỏi nền giáo dục rập khuôn, đơn hướng và thiếu hiệu quả để hướng tới xây dựng một hệ thống giáo dục tương tác, tùy biến, trên nền tảng sử dụng Internet. Chúng ta phải đầu tư để đạt được mục tiêu đó. Cùng lúc, chúng ta cần thay đổi cơ chế của giáo dục hiện giờ, bao gồm vấn đề về đường lối chỉ đạo về chương trình giảng dạy của chính quyền và cơ chế lao động trọn đời và Công đoàn Giáo viên Nhật Bản.”
—
“Trong trường hợp Nhật Bản, nội các dưới thời cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi đã thúc đẩy tư nhân hóa và cắt giảm chính quyền trung ương. Tuy nhiên, dưới hàng loạt chính quyền sau đó, đặc biệt là khi Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) nắm quyền, chúng ta một lần nữa chứng kiến sự phình to của chính quyền trung ương.
Lĩnh vực công về cơ bản nên được tư nhân hóa, các nhân viên làm trong lĩnh vực công nên gia nhập các công ty tư nhân. Ngoài ra, các quy định về cho thôi việc cực kỳ cứng nhắc hiện giờ trong lĩnh vực công phải được giải tỏa. Điều này sẽ giúp tuyển dụng tốt hơn. Còn với mọi thứ như hiện giờ, người trẻ không tìm được việc làm, vì không thể sa thải ai.”
—
“Chúng ta nên nỗ lực hướng tới tự do hóa thị trường ngay từ đầu. Tất nhiên cần có những ngoại lệ với những điều đe dọa an ninh quốc gia, nhưng con nghĩ chúng ta nên tiến lên theo hướng toàn cầu hóa trong mọi vấn đề liên quan tới quản trị doanh nghiệp, bao gồm các tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế. Và từ đó chúng ta nên xây dựng một hệ thống để tạo ra những cơ chế có thể thu hút các lãnh đạo kinh doanh hàng đầu tới Nhật Bản. Để làm như thế, chúng ta cần tăng lương cho các lãnh đạo kinh doanh ở Nhật Bản. Các lãnh đạo kinh doanh Nhật Bản hiện có mức lương không cao.”
—
Advertisements Share this:Hồi sinh sự thần kỳ Nhật Bản
Hai tác giả:
Ryoichi Mikitani, Giáo sư danh dự, Đại học Kobe
Hiroshi Mikitani, Nhà sáng lập và CEO, Rakuten, Inc.Trong cuốn sách này, hai tác giả là hai cha con, một người là giáo sư kinh tế hàng đầu Nhật Bản, một người là doanh chủ và là tỷ phú Nhật, cùng nhau bàn thảo về công cuộc tái kiến thiết Nhật Bản. Hai cha con đưa ra nhận xét, đánh giá về mọi mặt của xã hội Nhật Bản hiện đại, từ kinh tế tới giáo dục, y tế, việc làm,…
Hiroshi Mikitani (sinh năm 1952): nhà sáng lập, chủ tịch và CEO của Rakuten, Inc., một trong những công ty thương mại điện tử và Internet của Nhật Bản đứng vào hàng những công ty tầm cỡ thế giới. Theo danh sách tỉ phú của tạp chí Forbes thì tổng tài sản của Hiroshi Mikitani được ước tính vào khoảng 8,7 tỉ đô la tính đến tháng Ba năm 2015.
Hiroshi Mikitani, là thành viên của Hội đồng Sức Cạnh tranh Quy mô Ngành nghề – một trong ba hội đồng đóng vai trò kiểm soát cho kế hoạch hồi sinh nền kinh tế (Abenomics) của Thủ tướng Abe.
Ryoichi Mikitani (1929-2013): một trong những kinh tế gia hàng đầu Nhật Bản, từng nghiên cứu và làm việc tại Đại học Harvard, Stanford, Yale và Kobe. Ông đã có những đóng góp to lớn cho nước Nhật qua Japanese Society for Monetary Economics (Hội Nhật Bản phục vụ nền kinh tế tiền tệ).
*
Được trình bày dưới dạng đối thoại của hai cha con Mikitani, độc giả Việt Nam sẽ dễ dàng hiểu về công cuộc tái kiến thiết Nhật Bản dựa trên nền tảng là đề xuất “Lại là Nhật Bản” của Hiroshi Mikitani với vai trò là thành viên của Hội đồng Sức Cạnh tranh Quy mô Ngành nghề – một trong ba hội đồng đóng vai trò kiểm soát cho kế hoạch hồi sinh nền kinh tế (Abenomics) của Thủ tướng Abe.
Không hề lạc quan, tự mãn trước những thành tựu của đất nước, hai cha con Mikitani đã chỉ ra những bước thụt lùi, những thất bại của Nhật Bản. Có thể nói, những đối thoại của họ không chỉ là sự phê phán sâu sắc với xã hội Nhật Bản, mà còn là sự phẫu tích cho từng vấn đề mà Nhật Bản đang phải đối mặt, với mong muốn rằng việc đưa ra cuốn sách “sẽ giúp mọi người nhận ra tình thế khó khăn mà Nhật Bản đang phải đối mặt, cũng như đưa ra tầm nhìn về một tương lai tươi sáng hơn và lộ trình để tới đó”.
Một tỷ phú, doanh chủ lừng danh thế giới, Bill Gates, cũng đề cao cuốn sách này. Bill Gates viết về cuốn sách: “Nếu bạn cũng quan tâm tới Nhật Bản như tôi, tôi nghĩ bạn sẽ thấy cuốn sách Hồi sinh sự thần kỳ Nhật Bản này là góc nhìn thông minh và đột phá về tương lai của một quốc gia kỳ diệu.”
Còn giáo sư Harvard Benjamin M. Friedman (giáo sư Kinh tế Chính trị) viết về cuốn sách:
“Ryoichi Mikitani là một trong những nhà kinh tế sâu sắc và tìm tòi nhất Nhật Bản. Và Hiroshi có lẽ là doanh chủ năng động nhất Nhật Bản ngày nay. Rõ ràng Ryoichi đã truyền lại cho con trai mình lòng yêu nước sâu sắc. Bất cứ ai đang mong mỏi một nước Nhật huy hoàng đều nên hy vọng rằng những quan điểm của hai cha con Mikitani sẽ nhận được sự quan tâm sâu rộng của chính phủ và người dân Nhật Bản.”
*
Một trích đoạn cực ngắn từ cuốn sách:“Nếu tôi được đề nghị đưa ra lời khuyên cho một người như thế, tôi sẽ cảnh báo họ một chuyện: Toàn cầu hóa không có nghĩa là mất đi bản sắc dân tộc. Thế giới giờ đòi hỏi chúng ta nói tiếng Anh. Đó là điều tự nhiên, nhưng chúng ta cần hiểu toàn cầu hóa thực sự dựa trên tiền đề là chúng ta duy trì bản sắc người Nhật. Hãy đưa những phần tốt đẹp của Nhật Bản – lịch sử và truyền thống của chúng ta – vào những gì chúng ta làm trên sân khấu quốc tế. Khi làm như thế, ta sẽ đóng góp cho thế giới.”