[Fiction] Gamer – Phụ bản

Part 2: “Con người không chết khi nên chết mà khi có thể chết.”

-Gabriel Garcia Marquez –

#1. Tang lễ diễn ra vào ngày 14 tháng giêng. Tôi xin nghỉ buổi học ở trường để kịp có mặt ở nghĩa trang trước lúc 7 giờ. Con đường mòn dẫn từ cổng nghĩa trang vào khu an táng, quanh co qua những gốc cây trụi lá; không rõ bảo vệ ở đây làm ăn như thế nào mà không thể trị nổi đám trẻ ranh lẻn vào táo bạo bẻ cành rồi vất chúng ngổn ngang trên mặt đất – những cành khẳng khiu và sần sùi màu vỏ cây khô – có lẽ để lũ trẻ dọa nạt nhau hay chơi trò đánh trận giả. Các ngôi mộ sắp xếp có quy hoạch, nhấp nhô những gam màu xám lạnh, trắng đục và lẫn cả màu huyết dụ – giống như một rừng nấm nổi lên sau cơn mưa. Không khí u uất âm ỉ cháy một nỗi buồn vơ vẩn.

Hôm nay là tang lễ bạn thân tôi. Thật nực cười khi tôi vẫn đứng ở đây, sống và chờ thời gian bắt tay vào xây dựng sự nghiệp, còn cuộc đời nó thì mãi dừng lại ở tuổi hai mốt.

Đoàn người nặng nề tiến vào nghĩa trang trong những bộ Âu phục tối màu sang trọng, bên cạnh những chiếc vòng kết bằng hoa cúc – trắng và vàng giữa một gam màu u ám, ám ảnh một cách có chủ đích. Họ giống như một bức tranh vẽ mà ở đó, người họa sĩ sầu thảm đã dậm tô các đường nét trên đôi mắt, ánh nhìn, phác các mảng chì đậm nhạt từ góc cạnh khuôn mặt, làm cho những hình dáng kia buồn thương u ám, lại có chút xót xa. Chỉ là một lần nữa nhìn những người họ hàng nội ngoại của nó, tôi vẫn thấy ở đó sự giả tạo rất kịch.

“Đúng là loại con trai bất hiếu, giống y như thằng bố nó. Tôi bảo chị rồi, phải gò ép nó vào khuôn khổ mà chị có nghe đâu. Hồi trước ôn thi vào cấp III, rồi cả Đại học cũng không thể chấp nhận được! Con người ta học hành ngày đêm, tăng ca năm ca bảy, còn nó suốt ngày chỉ chúi mũi vào game, ăn chơi đàn đúm. Nuôi nó chỉ tốn cơm tốn gạo, sớm muộn gì cũng theo gót ông bố nó, bỏ bê vợ con. Con trai con đứa như vậy, chị còn rỏ nước mắt làm gì?”

“Cô! Cô sao có thể nói những lời như vậy?”

Đôi mày tôi nhíu chặt lại, sắc mắt nhìn về phía kẻ phát ngôn – một người phụ nữ mới bước vào tuổi trung niên, phô diễn sự giàu sang có được từ người chồng ăn lương nhà nước bằng những đồ trang sức xa xỉ. Khi ai đó bị nhìn chòng chọc đủ lâu, thì chắc chắn họ sẽ cảm giác được và nhìn về phía bạn. Điều đó đúng bởi lẽ năm giây sau đó cô ta quắc mắt cảnh báo tôi với ánh nhìn khinh thường và giọng điệu chảnh chọe.

“Ngay cả bạn bè cũng chẳng phải loại tốt đẹp gì!”

Họ hàng của nó cũng chẳng phải loại tốt đẹp gì! Nhất là khi mở mồm nói những câu này một ngày trước khi diễn ra tang lễ của người đã khuất.

Tôi quay người đi che giấu cái nghiến răng căm tức. Cho cả tôi và cả nó. Có một quy luật bất thành văn trong mối quan hệ ứng xử giữa thanh niên và người lớn, chính điều này đã nhắc nhở tôi dằn xuống cơn nóng giận của mình.

Tang lễ của mày, tao nhất định sẽ không gây rắc rối!

#2. Có một căn hộ với tấm biển đề số nhà đã hỏng, không đọc rõ chữ, nằm phía bên kia cây cầu bắc qua dòng sông chia nửa thành phố. Tôi nhớ cái thời nghịch ngợm, sáu hay bảy tuổi, tôi và nó từng đi phá biển số nhà người ta: nhỏ acid chôm chỉa từ mấy cửa hàng dưới phố hay dung dịch muối làm cho mấy tấm biển sắt han gỉ, nếu là biển nhôm thì dùng dao rạch và cạo sạch, hay đơn giản nhất chỉ cần một paint brush và một spray paint – quét và phun sơn – người ta vẫn thường làm thế với mấy chiếc camera an ninh trong các bộ phim hình sự do hãng VFC sản xuất phát sóng trên VTV, và chúng tôi học theo rồi thử nghiệm. Không ai học cái gì nhanh hơn trẻ con. Và không ai nhớ cái gì nhanh bằng thực nghiệm.

Đối diện khu phố có một khu nhà dành cho Tây balo thuê – những khách du lịch mắt xanh, tóc vàng và da trắng, nói chuyện với dân bản địa bằng thứ tiếng Việt bập bẹ, giọng điệu ngồ ngộ, khôi hài, lại vấp váp. Tôi và nó hay đùa nhau về những người khách phương xa gọi là “Tây mẫu giáo” hay “Balo mẫu giáo”. Không cần cắt nghĩa cũng đủ hiểu. Họ đi thăm di tích, đi ngắm cảnh đẹp hoặc vòng quanh những khu hàng quán sau thời gian lượn lờ các nhà hàng sang trọng từ các chuyến đi trước – để chọn hàng, mặc cả và ăn vặt, ăn những thứ mà người ta bảo là ngon. Có một tốp theo học khóa dạy nấu ăn trong một khách sạn nhỏ chuyên dạy khách Tây cách nấu món Việt ở giữa lòng khu phố cổ. Chúng tôi lảng vảng quanh đó vào đầu hay cuối giờ chiều, tinh quái giới thiệu với họ về mấy loại mắm tôm: mắm tôm chua, mắm tôm chưng thịt – cái mà trên thực tế là nước chấm tôm lên men, loại kén chọn khứu giác và có mùi vị khó miêu tả. Vì sự nhiệt tình này, họ sẽ cho chúng tôi tiền – những đồng hai dollar 1976 với mặt tiền là hình ngài Thomas Jefferson, cùng với dấu mộc xanh và số seri xanh; mặt hậu là hình 42 vị lãnh đạo cấp cao của Mỹ đang dự thảo để đưa ra bản Tuyên ngôn Độc lập cho nước Mỹ vào năm 1776. Chúng tôi luôn có cách để tiêu chúng. Nhưng điều hứng thú không phải vì những đồng hai dollar may mắn. Sẽ thật khôi hài nếu bạn nhìn thấy ai đó mặc đồ sang trọng, xỏ giày hàng hiệu và đeo đồng hồ đắt tiền, vội vã kéo vạt áo che mũi và mắt đỏ hoe như khóc với biểu cảm nhăn nhó khi mùi mắm tôm sộc vào tận xoang mũi. Và còn hứng thú hơn khi bạn muốn cười mà phải nhịn. Ha!

Những người bảo vệ luôn tìm cách đuổi chúng tôi đi, và ở khu nhà cho Tây balo thuê, họ rình mò để bắt tận tay hai đứa – bọn trẻ ranh khốn nạn đã khiến cho mấy trăm tấm biển đề số phòng phải vất đi và thay lại một lượt. Bảo vệ lượn lờ dưới garage, cầu thang bộ, những lối đi hẹp,… nhưng chúng tôi đủ khôn ngoan để khiến họ vớ bở và biến một đống camera trong thang máy phải đi lau chùi lại ống kính. Nhiều kẻ đã phải khốn đốn vì trò đùa rẻ tiền này: Tây balo lúng túng khi không tìm được số phòng, đám bảo vệ phát bực vì những lời phàn nàn lẫn khiển trách và chủ khu nhà điên tiết với khoản tiền đổ không vào các trang thiết bị an ninh. Cách một khoảng thời gian chúng tôi mới lặp lại chuyện đó một lần, không khi nào giống khi nào, bởi chẳng điều gì đảm bảo chúng tôi mãi không bị bắt gặp. Đi đêm lắm có ngày gặp ma.

Nhà cô bạn mà chúng tôi quen nằm trong khoảng dãy phố đó, phần chưa được tu sửa, tấm biển đề số nhà khuất sau lùm cây và khoảng giữa bạc trắng như sương. Tôi và nó bước vào cuộc đời cô ta, hay phải nói là cô ta chen chân vào cuộc đời chúng tôi – năm đầu tiên Đại học. Một cái lớp nhung nhúc toàn lũ đực rựa, tất nhiên chỉ lác đác vài mống con gái, đứa nào cũng xinh xắn trắng trẻo, dù chưa chắc đã dễ thương. Trong vài tháng đầu cô ta đã nằm trong tốp hoa khôi trường Đại học.

“Ném cái Smartphone sang một bên và đi theo tao. Về anh em mình cày sau. Đi!”

“Đi chỗ nào?”

Nó có thói quen đáp trả lời rủ rê của tôi bằng thái độ dửng dưng và điệu bộ lười nhác. Thằng khốn nạn!

“Đi cưa girl xinh! Hay mày sợ cưa mày cùn?”

“Mẹ kiếp! Rõ dở hơi!”

“Mẹ kiếp! Có mặt lãng tử thì phải biết sử dụng.”

Đám con trai bu quanh cô ta từ mấy ngày trước, ngăn bàn lúc nào cũng đầy hoa và những lời tỏ tình có cánh. Thật khinh thường! Có cánh thì nhất định sẽ bay đi mất.

Nó luôn đứng ngoài cuộc. Nhưng khi tôi để ý nó nhìn cô ta chăm chú, khóe môi hơi nhếch lên và từ đáy đôi mắt màu blue ám bụi kia che giấu những tia nhìn hứng thú, tôi biết nó đã thực sự vào cuộc. Chúng tôi lên kế hoạch tán tỉnh cô ta, cùng với giao hẹn rằng nếu ai thua sẽ phải bỏ tiền túi ra mua game cho cả hai đứa. Nó nhìn tôi với vẻ tếu táo khinh bỉ.

“Nếu muốn, chỉ cần hack bản quyền là tao có thừa game để chơi cả đời.”

“Thương thay cho mẹ mày! Có tài cán mà toàn dùng vào việc không lương thiện.”

Là bạn thân của nhau từ hồi còn được người lớn chở đến trường mẫu giáo, nhưng chúng tôi luôn bất đồng quan điểm. Nó sinh vào cuối tháng giêng, còn tôi sinh vào khoảng thời gian gần cuối tháng mười một. Chẳng cần biết sao chiếu mệnh xung khắc thế nào, chúng tôi sẽ lao vào cãi nhau nếu ý kiến cả hai trái chiều, nhưng chẳng một thằng nào chịu tách nhau ra. Quá nhiều kiêu ngạo! Ngay cả chơi thân với nhau cũng vì nguyên nhân xung đột. Hồi ba hay bốn tuổi, nó tốt bụng dễ sợ, giằng lấy đồ chơi mà tôi trấn lột từ một thằng bé khác. Tôi đã đấm chảy máu mũi nó, còn nó thì đánh gãy một cái răng sữa của tôi. Thật may vì cái răng đó mọc lại, nếu không tôi thề sẽ đánh văng răng nó, dù đó có phải răng sữa hay không.

Cô ta khiến chúng tôi từ mặt nhau. Khi mà tôi phát hiện ra mọi thứ không còn là trò đùa, nó theo đuổi cô ta thực sự. Những kẻ gắn mác hoa khôi không thể nào làm một người tình chung thủy. Cô ta mang thai ở tuổi 18, sau cuộc tình một đêm chóng vánh với một tay chơi sừng sỏ trong trường. Gia đình bên kia đứng ra chịu trách nhiệm. Nhưng nó đã nông nổi kéo cô ta đi, ý định trốn đi đâu đó vài ngày. “Chồng sắp cưới” của cô ta gọi người đuổi theo và đánh nó một trận thừa sống thiếu chết trong một con hẻm vắng bóng. Tôi tìm thấy nó quằn quại trên một mảng nước đỏ, lẫn cả máu và sơn xịt dùng vẽ tranh graffiti, xung quanh ngổn ngang ván dỡ từ công trình xây dựng và vôi vữa tung tóe. Con hẻm ẩm thấp lẫn cả mùi gây của xác chết động vật, dường như vây quanh thân dạng cô độc của nó. Trên gương mặt bầm tím và xước sát, đôi mắt màu blue ám bụi kia nhìn tôi, khóe miệng nở nụ cười yếu ớt đau đớn. Tôi nhỡ đá phải bình sơn xịt khiến nó lăn long lóc vào góc tường. Cái spray paint ở gần tay thuận của nó, mà để ý ở phía bên kia, cũng lăn lóc một bình xịt hơi cay. Nó chắc đã cầm spray paint để tự vệ, còn đưa bình xịt hơi cay cho cô ta. Thằng bạn ngu ngốc! Thật muốn xịt hơi cay vào mặt mày! Ngu ngốc!

“Không còn cái gì để ngu hơn à, thằng đần? Mày nghĩ cô ta có đủ dũng khí để xịt hơi cay vào bọn chúng rồi chạy đi sao? Nếu cầm cái bình xịt đó thì mày đã không bị đánh ra nông nỗi này!”

Nó chỉ nhìn tôi và cười nhợt nhạt.

Rồi cô ta chết trong một tai nạn giao thông, tôi nhớ đó là ngày 24 tháng chạp.

#3. Vài ngày sau tang lễ, ai đó gõ cửa nhà tôi. Mẹ nó đứng trước cổng trong khi tay bê một cái hộp carton hơi hé nắp, bên trong tối mờ mờ, và khó thấy được gì.

“Laptop của thằng bé, bác không nỡ vứt đi. Bác nghĩ có thể cháu là người thích hợp để giữ… “

Giọng người phụ nữ trung niên thoáng nét ngập ngừng. Di vật của người chết, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận.

Tôi ngồi trên chiếc ghế xoay cạnh bàn học. Đèn bên thân laptop báo đỏ, pin yếu. Lục trong hộp carton mới nhận từ mẹ nó dây cắm sạc, tôi nối nó với ổ điện, chờ một lúc cho pin lên phần trăm rồi khởi động máy. Biểu tượng chạy vụt qua màn hình, hệ thống thông báo nhập mật khẩu. Tôi gõ vào đó một dòng ký tự dưới dạng hide characters, chờ đợi vài giây. Nhưng mật khẩu sai. Tôi bật lưng khỏi cái ghế xoay. Gì vậy?

Chúng tôi chưa bao giờ từ chối việc đưa mật khẩu máy tính cho nhau, ngay cả khi ai đó có ý định đổi. Nhưng giờ thì nó đổi mật khẩu mà không nói trước với tôi.

Kìm nén nỗi thất vọng dâng lên nghẹn cuống họng, tôi ngả người ra sau ghế, suy nghĩ mông lung trong khi vô thức để chiếc ghế chậm rãi xoay một vòng ngược chiều kim đồng hồ.

Câu chuyện thậm tệ của nó bắt đầu kh nào?

Năm 2013, một tựa game kinh dị bắt đầu xâm nhập vào kho game của các gamer, được ra mắt bởi hãng phát triển trò chơi studio Red Barrels – thành lập từ một vài cựu binh trong nghành công nghiệp game trước đây, những người đã góp phần không nhỏ tạo nên danh tiếng cho Prince of Persia, Assassin Creed, Splinter Cell và Uncharted. Theo lời hãng phát triển, “địa ngục” là một khái niệm quá đơn giản để nói về thế giới trong game. Outlast – tồn tại trong bóng tối, lấy bối cảnh một vùng núi xa xôi ở bang Colorado, nơi mà điều khủng khiếp ẩn sâu trong ngọn núi Asylum Massive – một bệnh viện tâm thần được công ty xuyên quốc gia Murkoff sửa chữa và mở chi nhánh để “nghiên cứu và tổ chức các hoạt động từ thiện”. Sau những hình ảnh, video gameplay và những nghi ngờ mà người ta liên tiếp đặt ra trên các trang internet, khi Outlast ra mắt, nó đã chứng tỏ được chỗ đứng của mình. Chúng tôi đã hoàn toàn chinh phục “anh bạn” mới mẻ này. Nhưng khi niềm hứng thú về tựa game giảm đi hơn nửa, có điều gì đó đang hối thúc thằng bạn tôi.

“Đủ gây sự hãi trong 15 phút đầu. Nhưng tao sẽ viết lại game này, thay đổi một cái kết quá tẻ nhạt.”

Một vài điểm yếu không hề nhỏ của game nảy sinh, khi mà bạn đã nắm được quy luật di chuyển chung của Al, bạn hoàn toàn có thể chơi trò mèo vờn chuột, và phần lớn nó không còn là trải nghiệm đáng sợ. Thêm vào đó là một cái kết đáng thất vọng.

Trong suy tưởng, đầu tôi lóe lên một tia sáng. Tôi vùng dậy và đẩy cái ghế sát lại phía bàn, khoảng cách vừa đủ để bàn tay thuận lợi nhập một dòng hide characters khác từ mainboard: outlast.

Tôi nín thở chờ đợi. Màn hình không hiện lên biểu tượng lỗi và dòng chữ “the user name or password is incorrect”, nó đang chạy và mở khóa thuận lợi, mật khẩu đúng. Đối diện tôi hiện lên desktop background – một trong số các hình ảnh công bố từ game Outlast. Nhìn đã biết là nó design ảnh này.

Mặt tôi tối sầm lại, và khóe môi giương lên yếu ớt.

Tôi nhớ chúng tôi đã gặp nhau một buổi chiều trên ban công tầng chót nhà nó, không khí tĩnh lặng và tẻ nhạt trái ngược con người sôi nổi của tôi.

“Tao nghĩ mình đã nhìn thấy The Twins. Tao cảm giác mình đang vào vai Miles Upshur…”

Đôi mắt hoang mang của nó làm tôi phát bực.

“Mày đang lảm nhảm cái gì vậy?”

“Tao lại nhìn thấy cô ấy. Cô ấy nói sẽ rủ tao đi. Tao nhìn thấy chính mình đã du cô ấy trước đầu xe bus.”

“Vứt cô ta ra khỏi đầu mày ngay! Và mày đang thử thách tính kiên nhẫn của tao sao?”

Nó im lặng nhìn tôi, từ bỏ ý định muốn ai hiểu một điều gì đó.

Chúng tôi ngừng việc nói chuyện với nhau sau buổi đó, bởi nó không chủ động bắt chuyện với tôi, và bởi vì tôi bận bịu với cuộc gặp gỡ các đàn anh trong câu lạc bộ bóng rổ, hoặc tụ tập bạn bè đến đêm khuya bên một quán vỉa hè, uống trà đá hoặc thử sức nhậu nhẹt. Nếu mẹ nó không đến gặp tôi vài tuần sau đó, tôi nghĩ chắc mình đã phải lãng quên nó một thời gian dài hơn thế.

“Thằng bé mới được chuyển vào bệnh viện.”

“Sao cơ ạ?”

Hồ sơ bệnh án ghi rõ nó bị rối loạn tâm lý và có những biểu hiện của bệnh hoang tưởng.

“Mày còn nhận ra tao không?”

“Có!”

Nó đáp lại một cách hờ hững, không nhìn tôi mà vẫn chú tâm vào màn hình chiếc Smartphone. Lại là Outlast.

“Người ta không biết mày giấu điện thoại mang vào sao? Tao đã đọc hồ sơ bệnh án của mày. Tránh xa Outlast khi mày còn có thể! Đừng để bị điên theo chúng!”

“Đã không còn có thể.”

“Mày nói cái gì?”

Tôi giằng lấy điện thoại của nó và không ngần ngừ vung tay ném mạnh vào tường. Âm thanh màn hình nứt vỡ chát chúa dội lại màng nhĩ. Mẹ nó đứng khựng lại sau cánh cửa phòng bệnh mở hé, sửng sốt nhìn hai chúng tôi.

Nó luôn tìm cách trốn khỏi các khóa điều trị tâm lý. Tôi bắt gặp nó đang ngồi rúm ró trong một góc ở kho thuốc bệnh viện, tay ôm đầu khốn khổ, dường như muốn cào rách gương mặt, cả vết sẹo ám ảnh trên trán. Giữ chặt cổ tay nó đến hằn vệt đỏ, tôi thực sự đã không thể kiềm chế được cơn giận dữ của mình.

“Thằng khốn! Tỉnh táo lại cho tao!”

“Không… Tao đã du.. Một xác hai mạng…”

Lại liên quan đến cô gái đó.

“Mày quẫn trí rồi! Mày chẳng làm gì cả! Tỉnh táo lại cho tao! Tỉnh táo lại thằng khốn!”

Bác sĩ tiêm khá nhiều mũi thuốc an thần để ru ngủ một tâm trí bất ổn. Nhưng yên tĩnh vài ngày nó lại tìm cách bỏ trốn, đi lang thang, lần này nó vào thang máy chạy lên tầng thượng bệnh viện. Nhân viên an ninh đã phải ngắt điện cung cấp thang máy số 4. Tôi tìm cách chế trụ nó, bẻ ngoặt cánh tay xương xương gầy guộc đang cố vùng vẫy kia ra sau. Gương mặt nó hốc hác và ốm yếu, tựa một kẻ kiệt quệ sắp chết, điều đó nhắc nhở tôi phải hạn chế sử dụng sức mạnh của mình. Chỉ là vài giây mất cảnh giác khiến tôi phải trả giá. Một sức mạnh sâu thẳm nào đó trong nó trỗi dậy, du bật tôi về phía cửa trong khi mấy tay bác sĩ khác chen chân vào thang máy, không hiểu sao tôi cảm giác đó là một cái vùng vẫy mạnh bạo cuối cùng. Bàn tay phải tôi bị kẹp cứng giữa cửa thang máy khi nó điên cuồng bấm loạn các con số dưới màn hình điện tử. Các đốt ở đầu ngón tay quệt mạnh vào bề mặt tường cứng, cơn đau theo xung thần kinh truyền đến khiến cổ họng tôi muốn hét lên bỏng rát. Tôi gần như đã khuỵu xuống, bàn tay dần dần mất đi cảm giác được nối với cổ tay chính mình.

Lúc tôi tìm lại ý thức và ngẩn người nhớ lại những sự kiện đã xảy ra, mẹ nó kiệt sức và mất hết cả tinh thần, nói rằng nó đã tự sát.

Một điều gì đó giúp tôi tin tưởng rằng tâm trí nó vẫn còn sót lại chút ý thức. Chỉ là…

Khoảng thời gian tôi mở mắt, cũng là lúc nó nhắm mắt.

#4. Đôi giày to xù dành cho dân chơi hip hop của tôi dợm từng bước trên bậc cầu thang – lối đi công khai duy nhất dẫn lên “khu căn cứ” của nó trên tầng chót căn nhà. Căn phòng có lối dẫn ra ngoài ban công rộng rãi, tôi luôn bắt gặp nó nằm lười nhác trên một cái đi văng cũ kỹ, tắm trong ánh nắng nhạt nhẽo buổi chiều. Mặt trong cánh cửa gắn một tấm gương bản rộng, ở đó tôi thấy được bộ dáng của mình: mái tóc hung đỏ vuốt gel, tay đút túi quần đeo đầy các thứ vòng gắn đinh tán, áo phông trắng, quần jeans, cổ đeo sợi dây hầm hố dài thượt; trên gương mặt là đôi lông mày rậm, mắt sắc và một khuôn hàm cứng rắn. Còn nó luôn ở phía bên kia – ngoài ban công với cách ăn mặc có chút cẩu thả, bụi đời, mái tóc hơi rối cùng đôi mắt lai Tây chứa cái nhìn ương bướng. Tôi biết nó rất cứng đầu.

“Vẫn quyết định đi?”

“Quyết định!”

Không ai can ngăn ai, quyết định là ở riêng mỗi người. Chúng tôi học được cách tôn trọng quyết định của nhau trong những lần cãi vã và động chân tay. Thói lạnh nhạt làm cho khuôn hàm cứng lại. Trong khoảng tĩnh lặng, tôi nhận ra cả hai đứa chỉ cách nhau hơn hai mét. Tôi đứng bên cạnh ngưỡng cửa, nhìn gương mặt nó phủ trong một sắc chiều thiếu sức sống, những đường nét biểu cảm lặn mất tăm.

Đôi khi tôi thấy thất vọng.

“Gái làm bạn tao thay đổi hết cả rồi!”

Để rồi mang theo nỗi thất vọng đó và bỏ đi.

Tôi và mẹ nó nán lại nghĩa trang khi những người khác đã ra về. Bà cầm lấy bàn tay phải bị thương của tôi – đã băng bó và chẳng bao giờ có thể cử động trở lại, xoa nhẹ lên có vẻ tủi hờn.

“Thực xin lỗi cháu… Bàn tay này… Bác chẳng biết phải nói sao cả…”

Bà buông tay tôi, cố nén những tiếng tức tưởi bóp nghẹn lồng ngực trái. Trong chuyện này, không phân định rạch ròi được là ai có lỗi.

“Bác gái, cậu ấy đã không thể kiểm soát được hành vi của mình. Là tại cháu quá nóng vội.”

“Đứa bé này, ba mẹ cháu sẽ thương tâm lắm!”

“Cháu thuận cả hai tay. Đừng lo lắng cho cháu!

Tôi không nghĩ rằng nó đã luôn cô độc. Cô độc hơn khi những hiểu biết và góc nhìn của những đứa trẻ mới lớn khiến nó nhận ra sự thương tổn và mất mát từ việc thiếu vắng sự quan tâm từ người trụ cột trong gia đình. Nó chắc đã sợ bị bạn bè bỏ mặc, nhưng thói kiêu ngạo và lòng tự trọng cao ngất từ những đứa như hai chúng tôi đã không thể để cho câu chuyện có một cái kết tốt đẹp hơn. Đúng ra nó nên tin tưởng tôi! Phải thế không? Hay phải nói là tôi nên cho nó cơ hội để tin tưởng mình? Có rất nhiều điều mà người ta muốn làm lại, nhưng chỉ thực sự muốn làm lại chừng nào mọi thứ là quá khứ.

Sự hối hận muộn màng. Cảm giác hối lỗi thật có tư vị.

Tôi đã bỏ mặc nó với nỗi cô đơn. Và giờ thì nó bỏ rơi tôi.

Chia sẻ:
Like this:Like Loading...